THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:18

Không có bằng chứng nào để Trung Quốc có quyền kiểm soát Biển Đông

 

Những ngày qua, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức các cuộc hội thảo về Biển Đông, trong đó phần lớn các đại biểu đều nhất trí cho rằng phán quyết này đã tác động khá tích cực đến tình hình ở vùng biển chiến lược trọng yếu này. Tiến sĩ Dmitry Mosyakov: “Không có bằng chứng nào để Trung Quốc có quyền kiểm soát vùng nước Biển Đông”.
 

Tình hình không phức tạp hơn

 Mới đây, tại Thủ đô Moskva của Nga, đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tình hình Biển Đông sau phán quyết của PCA”. Tham dự cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức có khoảng 30 đại biểu, là các học giả, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành và các sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành châu Á -Thái Bình Dương, Đông Nam Á của nhiều trường đại học tại Nga.

Thông qua 10 bài tham luận và quá trình trao đổi sôi nổi, các đại biểu đã cùng thảo luận về nhiều khía cạnh liên quan tranh chấp trên Biển Đông như ý nghĩa phán quyết của PCA đối với việc giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông, phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với phán quyết, hệ quả của phán quyết đối với nền kinh tế các quốc gia trong khu vực và ảnh hưởng của nó tới hệ thống an ninh khu vực, quan điểm của Nga trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông... 

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Khoa học Lịch sử Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông cho rằng, sau phán quyết của PCA ngày 12/7, mặc dù Trung Quốc không công nhận nhưng tình hình trong khu vực và ở Biển Đông đã không trở nên phức tạp hơn, mà trái lại, các bên liên quan đến tranh chấp và ngay cả Trung Quốc cũng đã ủng hộ tiến hành các cuộc đàm phán để tìm kiếm sự thỏa hiệp. 

Trong khi đó, với tham luận nhan đề: “Phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay - Ý nghĩa và hệ quả”, Tiến sĩ Grigory Lokshin, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Viện Viễn Đông, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga vẫn kiên định lập trường rằng yêu sách “đường lưỡi bò” (đường 9 đoạn) của Trung Quốc là hoàn toàn phi lý và nhấn mạnh: “Không có bằng chứng nào để Trung Quốc có quyền kiểm soát vùng nước Biển Đông”.

                            Tiến sĩ Lokshin tuyên bố, thật phi lý khi Trung Quốc không ngừng đưa ra cái gọi là “quyền lịch sử”.

Ông cũng dẫn ra ý kiến cho rằng, phán quyết của Tòa án giúp cho không chỉ Philippines mà còn các quốc gia khác cũng có lợi ích ở Biển Đông, trong đó có Indonesia, Malaysia và Việt Nam - “Nếu đường 9 đoạn của Trung Quốc bị cho là phi lý trong quan hệ đối với Philippines thì nó cũng không có giá trị pháp lý trong quan hệ với cả các quốc gia khác và nhìn chung là với cả các quốc gia trong cộng đồng quốc tế”. Kết thúc hội thảo, các học giả đều nhất trí cho rằng cho tới nay, quyết định của PCA đã tác động khá tích cực tới tình hình ở Biển Đông so với dự đoán trước đó.

      Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) 

Phán quyết mang tính lịch sử

Trước đó, ngày 3/10, tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ (IIC) ở Thủ đô New Delhi cũng đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: “Tình trạng phức tạp ở Biển Đông: Tìm kiếm một giải pháp pháp lý và chính trị” do Hội Nghiên cứu Ấn Độ Dương (SIOS) tổ chức. Tham dự cuộc hội thảo có nhiều học giả, chuyên gia nghiên cứu chính trị chiến lược nổi tiếng và giới truyền thông Ấn Độ. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký SIOS, Giáo sư Baladas Ghoshal đã nêu khái quát về tình hình hiện nay ở Biển Đông, trong đó đề cập đến tầm quan trọng về kinh tế, chiến lược của khu vực này cũng như những căng thẳng liên quan đến các hoạt động xây dựng đảo và quân sự hóa gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Cuộc hội thảo tập trung vào hai chủ đề thảo luận là “Phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay: Ý nghĩa đối với cuộc tranh chấp ở Biển Đông” và “Điều gì tiếp theo sau phán quyết - Một số giải pháp có thể kiềm chế tình hình”. Các học giả đã có nhiều bài tham luận liên quan tới vấn đề Biển Đông, tập trung vào ý nghĩa, tầm quan trọng của Biển Đông, tính pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, vai trò quan trọng của ASEAN trong kiềm chế/giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, những mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Phần lớn đánh giá, phân tích của các diễn giả tham dự hội thảo đều phản ánh những diễn biến hiện nay tại Biển Đông sau phán quyết của PCA và cho rằng phán quyết này mang tính lịch sử khi bác bỏ tuyên bố “chủ quyền lịch sử” và yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Nhiều học giả nhất trí rằng phán quyết của PCA cần được các bên liên quan tuân thủ và tôn trọng triệt để. Một số ý kiến cho rằng ASEAN cần thể hiện tinh thần đoàn kết và việc khối này có một lập trường chung sẽ giúp giải quyết vấn đề, mang lại hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực. Ngoài ra, ASEAN cũng cần phải nỗ lực thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giúp làm giảm căng thẳng và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như thương mại.

Trước đó, từ ngày 28 đến 30/9, tại Học viện Quốc phòng Australia, ở Thủ đô Canberra đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Biển Đông trong an ninh hàng hải rộng hơn của Ấn Độ - Thái Bình Dương” với sự tham gia của khoảng 70 chuyên gia từ Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore.  Tham dự hội thảo, Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã có bài tham luận đề cập đến tình hình Biển Đông sau phán quyết của PCA, phản ứng của các bên liên quan, các nước có tuyên bố chủ quyền cũng như ASEAN, trong đó nhấn mạnh đến vai trò và những việc ASEAN có thể làm để góp phần giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Giáo sư Carlyle A.Thayer cho rằng sau phán quyết của PCA, bất kể Trung Quốc có chấp nhận hay không, thì các cường quốc hàng hải còn lại như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu (EU)… đều thừa nhận phán quyết đó nay như một phần của luật pháp quốc tế. Tòa đã nói rất rõ rằng không có đảo đá nào ở Trường Sa mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế với 200 hải lý và chỉ có các cấu trúc nổi khi thủy triều lên cao sẽ tạo ra quyền với lãnh hải 12 hải lý và mọi tàu thuyền quân sự đều có quyền đi qua mà không bị cản trở.

Hoàng Long/An ninh Thủ đô

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh