Không cho phép con được sai, chưa bao giờ là cách yêu con tốt!
- Bác sĩ
- 21:15 - 16/10/2020
Tôi có tham gia hội phụ huynh của con gái đang học lớp 3. Hôm chuẩn bị bánh kẹo để làm liên hoan tổng kết năm, tôi thấy cô giáo tìm kéo để cắt sẵn các thanh bánh kem xốp ra. Từng thanh bánh xốp được đóng gói trong túi nilon đã được xẻ răng cưa khá dễ xé, hơn nữa trong hộc bàn bé nào chẳng có sẵn kéo compa, thước kẻ. Nhưng giáo viên bảo: "Không phải đâu chị ơi, sẽ có nhiều bé không biết cách mở gói bánh ra ăn đâu".
Tôi có nghe chuyện bé gái học lớp 2 của một bạn, bình thường bạn ấy hay cho nước vào cái bình có ống hút để con mang đi học, nhưng hôm qua lại để nước vào chai. Về nhà thấy chai nước của con vẫn còn nguyên, bé bảo: "Tại không có ai mở nắp chai cho con uống!".
Một chị khác kể về cậu con trai lớp 8 trường chuyên TĐN: "Nếu bỏ nó ở cách nhà 500m thì cũng không biết đường về đâu!". Trong buổi tập yoga, có một chị cứ loay hoay chạy ra hành lang gọi điện thoại về nhà: "Chị phải đánh thức con bé, năm nay lớp 11 rồi. Ở nhà vẫn có cô giúp việc đấy chứ, nhưng mà nếu không phải mẹ trực tiếp gọi, thì nó ngủ tới 12h chưa dậy!".
Hôm rồi trong nhóm đi du lịch, lúc chuyển khách sạn, một bạn gái cứ đánh vật với cái vali, cuộn các kiểu mà không làm sao xếp được hết đống đồ vào: "Mẹ mình rất là giỏi giang. Nhìn mình xếp đồ mẹ bảo ngứa mắt lắm, để mẹ làm cho lẹ".
Trên Facebook, nhiều bạn ở nước ngoài kêu trời vì các cậu ấm cô chiêu ở Việt Nam sang du học tới nhà chơi hoặc ở nhờ, mà không biết làm cái gì, cơm không biết nấu, ăn rồi không biết dọn, không cho ở nhờ thì thương, mà cho ở thì tức anh ách. Một thầy ở Trung tâm Tư vấn Du học kể có bé học giỏi, kiếm được học bổng du học, mà phải khóc ròng xách vali về nước vì không thể tự lập ở một đất nước phương Tây xa lạ.
Tôi tới nhà một người bạn, thấy cậu con trai 6 tuổi tự đi pha sữa bột bằng cách lấy sữa bột cho vào ly sữa dở đang để trong tủ lạnh, rồi cậu ấy chế thêm nước nóng, uống khi sữa còn lợn cợn, sau đó tự đi rửa ly. Cậu bé rửa ngoáng ngoàng bằng tay, rồi nhanh như chớp úp cái ly còn nồng mùi sữa lên kệ. Tôi phản đối: "Sao lại để mặc nó thế?", cô bạn thản nhiên bảo: "Sự lớn lên của trẻ con được xây dựng bằng quá trình thử và sai. Nếu tụi nó không được quyền thử, không đựơc quyền sai, thì mãi mãi chỉ là một bé sơ sinh thôi sao? Uống sữa lợn cợn vài lần rồi nó sẽ biết pha đúng quy cách. Rửa ly còn mùi thì có chết ai? Tuổi này làm việc nó còn thấy vui, chứ cứ chiều con tới khi nó lớn là nó ngại làm lắm".
Lịch sử tiến hóa của loài người được bắt đầu và hoàn thiện từ lao động. Chỉ có qua lao động chúng ta mới khéo léo, mới trở nên linh hoạt, khôn ngoan lên. Nhưng chính cô giúp việc nhà tôi cũng vậy, khi đề nghị cô để một số việc đơn giản như thái cà chua, lột hành, băm hành, xào vài món đơn giản cho tụi nhóc làm là cô ấy than thở: "Nhìn ngứa cả mắt, làm thì ít, nghịch thì nhiều. Làm chả bao nhiêu mà bày biện thì dọn hết hơi. Để tôi làm rốn cho nó xong". Thì đúng thật, để tụi trẻ con làm còn mệt hơn mình làm nhiều. Cũng như hướng dẫn một đứa trẻ tập viết, hay làm toán chắc chắn là mệt hơn chính chúng ta tự viết lấy hoặc tự cộng trừ nhân chia lấy. Nhưng cũng như việc học toán và học chữ kia, chẳng lẽ bạn xác định sẽ làm hộ bé cả đời?
Tôi cũng có một tuổi thơ thường xuyên phải lao động cật lực, phụ bố mẹ và ít được chăm sóc việc học hành, có lẽ tôi hiểu tâm trạng các bố mẹ muốn bù đắp cho con cái những gì mình còn thiếu. Nhưng tại sao cứ nhốt tụi trẻ trong lồng mãi vậy? Tại sao lại tước đoạt quyền được sai, được quyền làm bể chén đĩa, được đứt tay, ngã xe, đi lạc… của các bé?
"Con chỉ cần học thôi, mọi thứ để đó mẹ lo" là một câu nói rất quen thuộc trong nhiều gia đình. Thế rồi tới khi con đậu đại học, khi con lớn, thì lại muốn ngay lập tức con phải khéo léo, phải chăm chỉ việc nhà như một phép màu. Rồi bố mẹ lại đau đớn khi không hiểu tại sao nó vụng về thế, nó ích kỷ thế. Mình đau lưng muốn sụm lưng, mà nó ngồi trên ghế, điềm nhiên co chân lên để mình lau nhà. Mình ốm nằm bẹp một chỗ, mà nó chả nấu cho mình lấy một chén cháo. Từ vô tư tới vô tâm, tới vô nhân đạo nó không cách xa là bao nhiêu.
Theo một thống kê của Israel, tỷ lệ thất nghiệp của những đứa trẻ không biết làm việc nhà gấp 15 lần những đứa trẻ biết làm việc nhà. Còn những đứa trẻ biết làm việc nhà thu nhập bình quân gấp 20 lần những đứa trẻ không biết làm việc nhà.
Và nói thật là tôi khá ám ảnh câu chuyện về gia đình sư tử đã đọc đâu đó trên mạng: Có một bà mẹ sư tử nói sẽ dạy con đi săn. Hai anh em sư tử quá hứng khởi, chạy quá nhanh nên người anh trượt té và bị thương. Mẹ sư tử cho người anh ở nhà. Hàng ngày, mẹ và sư tử em đi săn mồi, và không quên để phần cho người anh. Từ đó, anh sư tử sống trong sự thoải mái, hàng ngày được ăn mà không phải đi kiếm mồi. Cho đến khi trưởng thành, mẹ sư tử mất, lúc đó 2 anh em phải tự đi kiếm ăn. Không may chúng lạc nhau, sư tử anh ngơ ngác rồi bị thương. Trước khi chết, sư tử anh thốt lên một câu: "Con hận mẹ".
Úm con trong vòng tay của mình, chưa bao giờ là cách yêu con tốt!
*Bài viết được trích trong cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ ko biết!".