CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:04

Khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm nhờ tiêm chủng mở rộng

Nhờ tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã khống chế được nhiều loại bệnh truyền nhiễm như bệnh bại liệt hoang dại, bệnh sởi, rubella, bệnh bạch hầu...

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục không ghi nhận trường hợp bại liệt hoang dại trong năm 2020 và là năm thứ 20 Việt Nam bảo vệ thành công thanh toán bệnh bại liệt. Đây cũng là năm thứ 15 Việt Nam duy trì thành quả loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh.

Khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm nhờ tiêm chủng mở rộng - Ảnh 1.

Dự án Tiêm chủng mở rộng đã xây dựng hướng dẫn tổ chức tiêm chủng ngay sau khi giãn cách xã hội, đảm bảo chống lây nhiễm vi rút SARS-COV-2

Trên cả nước không địa phương nào ghi nhận dịch sởi, rubella. Số trường hợp mắc sởi trong 11 tháng năm 2020 (1.136 ca) giảm mạnh so với năm 2019 (14.156 ca), số mắc rubella thấp (46 ca), góp phần quan trọng khống chế hội chứng rubella bẩm sinh, căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và sự phát triển của trẻ sơ sinh.

TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (Viện Vệ sinh Dịch tễ TW) cho hay, trong các năm từ 2018 - 2021, Dự án tiêm chủng mở rộng đã nỗ lực huy động nguồn viện trợ từ Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) và đầu tư của Chính phủ để tăng cường hệ thống dây chuyền lạnh cho tuyến tỉnh, tuyến huyện. Năm 2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đẩy mạnh các hoạt động để duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% trên phạm vi cả nước, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống nhiễm SARS-CoV-2. Dự án sẽ tiếp tục rà soát các địa phương nguy cơ cao, đặc biệt tại các địa phương chưa được triển khai chiến dịch trong các năm 2018-2020 để tổ chức tiêm chủng bổ sung vắcxin MR (phòng bệnh sởi-rubella) cho trẻ em ở các vùng nguy cơ cao nhằm đạt độ bao phủ tiêm chủng ở mức cao, chủ động không để dịch xảy ra. Dự kiến, có khoảng 1 triệu trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao được tiêm bổ sung vắcxin MR trong năm 2021.

Khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm nhờ tiêm chủng mở rộng - Ảnh 2.

Năm 2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đẩy mạnh các hoạt động để duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắcxin trong tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% trên phạm vi cả nước, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống nhiễm SARS-CoV-2.

"Trong năm nay dự án sẽ tiếp tục tiếp nhận 174 tủ lạnh TCW4000AC từ nguồn hỗ trợ của GAVI và huy động tiếp từ các tổ chức quốc tế để cấp cho các huyện, thay thế dần tủ cũ. Dự kiến, trên 90% số huyện của cả nước được trang bị hệ thống tủ lạnh mới, đảm bảo đủ năng lực và chất lượng bảo quản vắcxin trong tiêm chủng mở rộng"- TS Đặng Thị Thanh Huyền nói.

Ghi nhận năm 2020 ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với công tác tiêm chủng. Trong thời gian dịch Covid-19 vào tháng 4/2020, tất cả các trạm y tế xã/phường trên toàn quốc đã phải tạm ngừng tổ chức tiêm chủng, tỷ lệ tiêm, uống vắc xin trong các tháng đầu năm thấp hơn so với tiến độ dự kiến.

Công tác tiêm chủng tại một số tỉnh/thành phố tiếp tục bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội trong quí II-III/2020. Vì vậy có thể thấy kết quả tiêm chủng ở các địa phương không đồng đều. Bên cạnh đó, ảnh hưởng tâm lý e ngại lây nhiễm vi rút SARS-COV-2 trong giai đoạn dịch khiến cha mẹ không cho trẻ đi tiêm chủng ngay, nhiều trẻ bị tiêm chủng chậm lịch.

Để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã xây dựng hướng dẫn tổ chức tiêm chủng ngay sau khi giãn cách xã hội, đảm bảo chống lây nhiễm vi rút SARS-COV-2, vừa phục hồi công tác tiêm chủng trở lại trong các tháng 5 và 6/2020. Đồng thời từ cuối tháng 6/2020, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm vét các vắc xin để chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm có vắc xin. Nhờ vậy, đến tháng 11 năm 2020 đã có 1.398.653 trẻ được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin, tương đương 87%. Dự kiến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi năm 2020 đạt chỉ tiêu kế hoạch năm (95%).

CHU THÚY

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh