THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:57

Không ban hành thêm thủ tục hành chính không cần thiết trong lĩnh vực y tế

 

Tháng 1/2019 sẽ hoàn thành việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia về y tế

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tháng 11/2018, Bộ Y tế đã chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia với việc kết nối 7/23 thủ tục hành chính.Tháng 12/2018, Bộ Y tế sẽ hoàn thành kết nối 10 thủ tục hành chính. 6 thủ tục hành chính còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 1/2019.  Bộ Y tế cũng đã cắt giảm 1.363/1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh (đạt 72,85%) và 169/234 thủ tục hành chính (đạt 72,22%).

Năm 2018, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 4 Thông tư số danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu gắn mã HS ở các lĩnh vực thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn và trang thiết bị y tế. 

Bộ cũng ban hành danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc dùng cho người và mỹ phẩm xuất khẩu, nhập khẩu đã xác định mã số hàng hóa, gồm 10 danh mục với hơn 3.000 ngành hàng, gồm tất cả các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu. Nhiều mặt hàng đã được Bộ Y tế quy định không kiểm tra chuyên ngành khi thông quan tại cửa khẩu: thuốc, nguyên liệu làm thuốc; mỹ phẩm; trang thiết bị y tế; chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Phương tiện tránh thai và thiết bị y dược cổ truyền cũng được loại khỏi danh mục phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan," Thứ trưởng Trương Quốc Cường nêu rõ.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Y tế về cơ chế một cửa


Liên quan đến ý kiến của Bộ Tài chính đề nghị Bộ Y tế cắt giảm, giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; rà soát, loại bỏ 50% số mặt hàng thuộc danh mục phải kiểm tra chuyên ngành thuộc Bộ Y tế quản lý,, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩmcho biết trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế được giao quản lý 5 mặt hàng. Bộ Y tế đã quy định các sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, 5 dòng hàng được miễn kiểm tra. 810 dòng hàng còn lại (trừ 4 mặt hàng là phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước uống đóng chai; nước khoáng thiên nhiên; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm và thực phẩm bổ sung) là thuộc nhóm sản phẩm tự công bố và kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra giảm. 

“Như vậy, 95% số lô hàng của 810 dòng hàng này không phải kiểm tra chuyên ngành. Khoảng 98% lô hàng thực phẩm nhập khẩu do Bộ Y tế quản lý sẽ không phải qua kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu," bà Nga thông tin.

Về lĩnh vực quản lý trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế cho biết có khoảng 15.000 chủng loại, mỗi chủng loại đều có sản phẩm ở các mức độ rủi ro khác nhau. Vì thế không thể tổng hợp được danh mục chi tiết toàn bộ các mặt hàng trang thiết bị y tế, nhưng sẽ liên tục được cập nhật, đảm bảo minh bạch thông tin.

Về lĩnh vực y tế dự phòng, theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc Bộ Y tế không thực hiện việc cấp số đăng ký lưu hành đối với mẫu bệnh phẩm vì chỉ tính riêng số vi khuẩn, virus hiện đã có hơn 3.400 loại, chưa kể nấm, ký sinh trùng và các vi sinh vật khác. Mẫu bệnh phẩm không cần thiết phải kiểm tra chất lượng và cũng không thể kiểm tra được do có nhiều chủng loại vi sinh vật...

Tránh cắt thủ tục này lại “cài cắm” thêm thủ tục khác

Tại buổi làm việc, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng bãi bỏ nhiệm vụ ban hành mã HS đối với mẫu bệnh phẩm; đề nghị Bộ NN&PTNT bỏ thủ tục kiểm tra, kiểm dịch động vật, thực vật đối với các mặt hàng là dược liệu khi nhập về đã được làm khô thuộc. Rất nhiều loại dược liệu được nhập vào Việt Nam dưới dạng hoa quả khô, trong khi đó, nhập khẩu hoa quả khô lại được ưu tiên thông quan, không kiểm soát như nhập khẩu dược liệu. Vì vậy, rất nhiều dược liệu không nguồn gốc nhập vào Việt Nam. 

Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị phân định rõ cơ chế quản lý giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT ban hành danh mục dược liệu và hoa quả khô quản lý chuyên ngành để tránh tình trạng lợi dụng nhập dược liệu núp bóng hoa quả khô.

 

Cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế để tạo thuận lợi hơn cho người bệnh


Nhất trí với các đề xuất của Bộ Y tế và yêu cầu Bộ Y tế làm việc với các bộ, ngành liên quan để có sự thống nhất và báo cáo Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đánh giá Bộ Y tế là một trong những cơ quan tích cực thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính, điều hành hiệu quả việc quản lý giá vật tư y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bộ Y tế cũng là một trong các bộ tiên phong đã cắt giảm 72,85% các điều kiện kinh doanh, so với mục tiêu cắt giảm 50% được Chính phủ giao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế tiếp tục quán triệt chủ trương của Chính phủ để giảm bớt thủ tục, tránh cắt thủ tục này lại “cài cắm” thêm những thủ tục kinh doanh ở những văn bản khác. Bảo đảm cân đối hài hòa giữa cải cách hành chính với chống gian lận thương mại, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho người dân.

“Tiếp tục quán triệt tinh thần cắt giảm và không ban hành thủ tục hành chính không cần thiết, không phục vụ cho mục tiêu quản lý nhà nước và làm nặng gánh cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hậu kiểm thay vì tiền kiểm” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh