THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:52

Khối vàng ròng hiện hình dưới suối: Quả báo lộc trời

 

Nông dân "nháy mắt” trở thành đại gia phố núi

 Chuyện xảy ra vào cuối tháng 11/2009. Khi đó, anh Lô Văn Ối (SN 1983, ngụ bản Hào, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) theo 9 người cùng địa phương trèo đèo, lội suối, đãi cát tìm vàng. Sau hơn một tuần nơi rừng thiêng nước độc, một buổi sáng, anh Ối lội dọc những con khe lở loét sau trận do lũ quét kinh hoàng vừa đi qua tàn phá. Lên đến gần đầu nguồn khoảng 3km, chân tay mỏi rã rời, cúi xuống dùng tay vốc nước lên miệng để uống, anh thoáng cái thấy một cục đá to như hình cây nấm nở xòe ngả màu vàng xám giữa lòng con suối Pu.

Anh Ối nhặt lên xem rồi lại vứt xuống khe, nhưng trong thâm tâm vẫn như có điều gì đó mách bảo “biết đâu là vàng”. Nghĩ ngợi một lúc, anh cúi xuống mò lấy lại “hòn đá” nhưng vẫn tự nhủ: Đời thằng Ối này quanh năm bần hàn mò được cục vàng “gốc” mới là chuyện lạ.

Tuy vậy, anh vẫn cầm lấy “cục đá” ấy lên rồi cào cào trên bề mặt mấy đường thì thấy một màu vàng choé hiện ra trên vết xước. Cầm thấy "hòn đá" nặng bất thường nên anh quyết định mang về nhà.

Cục vàng mà anh Ối vô tình nhặt được khi lên rừng.

Khi mang ra tiệm vàng thị trấn kiểm tra, anh Ối vui mừng khôn xiết khi được biết "vật thể lạ" anh định vứt đi chính là vàng ròng, cân nặng 2,1kg. Mấy ngày sau, anh Ối mang vàng ra tiệm vàng bán và được trả hơn 1 tỷ đồng.

Cầm tiền trên tay, anh Ối mừng lắm bởi cuộc sống gia đình nghèo đói phút chốc đã đổi đời, trở thành “đại gia” thực thụ nơi phố núi Tương Dương. Tiền có được từ bán vàng, anh phân chia cho anh em nội ngoại mỗi người một ít. Còn lại, hai Vợ chồng cất riêng gửi tiết kiệm, mua xe ô tô vận tải, dựng chiếc nhà sàn mới.

Anh mổ thịt mấy con lợn chiêu đãi bà con dân bản. Anh còn thuê hẳn chiếc xe ô tô con chở cả gia đình xuống thành phố Vinh, bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) vui chơi, ăn uống thỏa thích, điều mà trước kia họ chưa bao giờ dám mơ mộng tới. Tết Nguyên đán năm 2010, gia đình anh ăn Tết to nhất bản khiến người dân ai nhìn cũng phát thèm...

"Mèo lại hoàn mèo"

 Sau khi nhặt được vàng, gia đình anh Ối có cuộc sống khấm khá hơn thật nhưng niềm vui ấy nhanh chóng bị mất đi khi bắt đầu gặp những tình huống dở khóc, dở cười, thậm chí phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. "Từ khi có vàng, nhiều người từ những nơi xa lạ kéo đến xin sự bố thí. Nhiều hôm gia đình tôi bị khủng hoảng tinh thần vì suốt ngày bị người lạ làm phiền”, anh Ối tâm sự trên báo Đời sống & Hôn nhân.

Không những bản thân anh Ối gặp khó khăn mà ngay cả vợ con anh suốt thời gian dài phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Vợ anh luôn mang tâm trạng lo sợ, mặc cảm mỗi khi đi chợ vì sợ người ta “chặt chém”, trong khi thực sự không có tiền. Đứa con trai đầu sinh năm 2005 của anh Ối cũng bị vạ lây khi thường xuyên bị đám bạn cùng trường chặn đường xin đểu tiền mua kẹo.

Nhắc lại chuyện nhặt được cục vàng, anh Ối chỉ biết thở dài ngao ngán.

Sau giai đoạn ồn ào về khối tài sản "trời cho", vợ chồng anh Ối bàn chuyện đầu tư làm ăn tiếp. Đầu năm 2010, với hy vọng sẽ gặp được lộc như năm trước, anh dùng số tiền còn lại (gần 100 triệu đồng) đầu tư máy móc, vật dụng phục vụ cho công việc tìm kiếm vàng. Nhưng ông trời không thương lần hai. Sau khi bỏ ra cả đống tiền nhưng kết quả anh cùng nhóm người thu được chỉ là những nắm đất đen, còn máy móc thì càng ngày càng bị hư hỏng nặng. Cũng từ đó, công việc làm ăn của anh Ối tụt dốc thảm hại.

“Suốt năm nay, thu nhập mỗi năm của gia đình tôi chưa đầy 1 triệu đồng. Trước đây, khi nhặt được vàng, gia đình tôi bị cắt khỏi hộ nghèo của xã. Nay cuộc sống túng thiếu, vợ con không có tiền mua nổi bộ quần áo, nhưng vì cái tiếng giàu có vì bắt được vàng mà dân bản không cho nhà tôi thuộc hộ nghèo nữa”, anh Ối bộc bạch.

Vài năm trở lại đây, hai vợ chồng anh ngày ngày vào rừng cách nhà 4 tiếng đồng hồ dựng chòi làm rẫy. Cứ đầu tuần, vợ chồng anh gửi lại hai đứa con nhỏ cho gia đình bà ngoại nhờ chăm sóc hộ rồi làm việc đến cuối tuần mới về.

“Cuộc sống hiện tại tuy nghèo đói, nhưng còn hơn suốt ngày bị người khác làm phiền, có người còn ghen ăn tức ở đến phá phách nhà cửa. Vợ chồng tôi chỉ muốn sống yên ổn như bao người dân bản khác tôi, làm “người nổi tiếng” bị quấy nhiễu, hỏi han mệt lắm rồi”, vợ anh Ối chia sẻ trên báo này.

Thế nhưng, mong ước giản đơn đó cũng không trở thành hiện thực khi mấy năm thời tiết khắc nghiệt khiến nương ngô, bãi sắn, ruộng lúa của gia đình anh bị mất trắng. Anh nói, có vụ gia đình chỉ thu được mấy yến lúa xép, bán đi cũng không đủ trả tiền giống.

Chia sẻ trên báo Đời sống & hôn nhân, ông Lô Thái Sinh, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (huyện Tương Dương) thừa nhận: “Hiện nay gia đình anh Ối đã bỏ nghề đãi vàng đi làm nương rẫy, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, phải chạy ăn từng bữa”.

 

 

 

 

 

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh