Khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ án hình sự gặp khó khăn do dịch Covid-19
- Tây Y
- 07:21 - 21/10/2021
Chiều 20/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí đã trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn truy tố
Về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật, ông Lê Minh Trí cho rằng, trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.
Theo thống kê, báo cáo của Công an và Viện kiểm sát cấp tỉnh, từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm hiện nay, 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh, có 77 vụ án đã gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng theo quy định của BLTTHS;
111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố, như: Không thể phúc cung, lấy lời khai, tiến hành đối chất, tiến hành các thủ tục để trợ giúp pháp lý, bảo đảm sự tham gia của người bào chữa cho các đối tượng theo luật định; không thể yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, trưng cầu giám định hoặc yêu cầu định giá tài sản…;
Viện Kiểm sát cũng không thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ. Nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ và các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, ra kết luận điều tra hoặc quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định.
Thêm nữa, theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí, việc tống đạt, giao các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội, người tham gia tố tụng hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho Viện Kiểm sát, Tòa án… cũng bị trì hoãn, không thể tiến hành.
"Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 BLTTHS không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật", ông Lê Minh Trí nêu rõ.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra;
"Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong Nhân dân, trong khi việc này không phải do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng", ông Trí cho biết.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, đây là những trở ngại, hạn chế do khách quan đem lại, là những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn cần được xem xét, tháo gỡ để giải quyết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật.
Từ những lý do này, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thấy rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 BLTTHS để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng sẽ phát sinh trong thời gian tới..
Bảo đảm thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thấy rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 BLTTHS để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 và các nội dung sửa đổi, bổ sung để giải quyết yêu cầu cấp thiết của thực tiễn xử lý vụ án hình sự trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đều thuộc các trường hợp có thể xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn là có căn cứ.
Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 và giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS lần này chỉ sửa đổi những quy định để bảo đảm thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP đối với Việt Nam và để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra; không mở rộng đến các nội dung khác chưa được tiến hành nghiên cứu, đánh giá, tổng kết đầy đủ, chi tiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hiện nay, Công an xã đã được tổ chức chính quy 100% nên đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Công an nhân dân; trong đó, có những quy định chung về nhiệm vụ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm (Luật Công an nhân dân không quy định nhiệm vụ cụ thể của Công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm).
Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) tại Điều 146 BLTTHS không mâu thuẫn với quy định của Luật Công an nhân dân và Pháp lệnh Công an xã.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng Lê Minh Trí cho biết, việc dự thảo Luật sửa đổi khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 BLTTHS là để phù hợp với Hiệp định CPTPP, đồng thời, các nội dung sửa đổi, bổ sung khác cũng bảo đảm sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Do đó, dự thảo Luật hoàn toàn tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.