THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:34

Khôi phục sản xuất, tiếp sức người dân bị lũ lụt

 

Dù mưa lũ đã giảm nhưng cả ba tỉnh Nam miền Trung này vẫn chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”, chủ động xử lý các tình huống, sự cố phát sinh, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, thống kê chính xác thiệt hại. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là các hộ có người bị thương, mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách; cứu trợ lương thực, nhu yếu phẩm. Sau khi sửa xong một số căn nhà thì tiếp tục chủ động huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh ngay sau khi lũ rút. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực xung yếu để kịp thời khắc phục nhanh các sự cố, dù là nhỏ nhất. Đặc biệt, Hội nông dân và Sở NN&PTNT các tỉnh cần vào cuộc nhanh để khôi phục sản xuất cho người dân không phải bơ vơ sau lũ.

 

                                                Những cánh đồng bị mất trắng sẽ được hỗ trợ khôi phục sản xuất

Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, ông Phạm Trọng Hổ cho biết, các vùng chuyên canh lúa sẽ được hỗ trợ giống và kỹ thuật. Các vùng chuyên cây cảnh, hoa cảnh đang lên phương án để hỗ trợ, khắc phục. Tất cả trên tinh thần không để hộ dân nào phải điêu đứng trong dịp xuân Đinh Dậu sắp tới. Đứng bên cánh đồng chuyên canh lúa nước bị mưa lũ ngập úng thối hoàn toàn, ông Nguyễn Minh Chung ở Phù Mỹ (Bình Định) cho biết; đại diện cho hàng trăm hộ dân chuyên sản xuất nông nghiệp quanh các khu dân cư, chúng tôi đã nhận được thông báo sẽ có hỗ trợ nên cũng an tâm. Là nông dân mà sản xuất tê liệt thì có cho quà, cho nhà cũng không ổn định được.

Nhìn cánh đồng chuyên canh lúa nước rộng mênh mông mất trắng chẳng còn gì, ông Lê Văn Thành ở Tuy An (Phú Yên) cũng cho biết; Vốn liếng dốc hết vào đồng ruộng, hoa màu. Giờ không còn gì thì cần phải hỗ trợ thôi. Hỗ trợ và khôi phục sản xuất cũng tựa như trang bị cái cày cho người nông dân vậy. Nhà cửa tan hoang thì đã sửa lại nhiều rồi, phố thị đã không còn ngập úng nữa rồi.

 

                                                Những đìa tôm thiệt hại nặng cũng sẽ được hỗ trợ

UBND tỉnh Phú Yên đã đưa ra nhiều định hướng về khôi phục trên 2.200 ha lúa và hoa màu mất trắng. Có nhiều vùng chuyên canh cần gấp gáp chuyển đổi cây trồng sao cho phù hợp để qua mùa giáp hạt tháng 3 năm sau người dân không còn vướng cảnh đói kém. Bộ NN&PTNT đã có thông báo tiếp sức cho các vùng chuyên canh khởi động lại sản xuất nên hàng vạn nông dân ở Phú Yên, Bình Định cũng có sự ấm lòng. Tổng hợp từ các địa phương ở miền Trung về diện tích lúa hư hỏng, Bộ NN&PTNT đề nghị hỗ trợ giống lúa là 31.539ha, ngô 2.227ha; rau các loại là 8.876ha. Diện tích rau màu (cả ngô) bị thiệt hại là 18.869ha, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm bị thiệt hại là 1.100ha, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn bị thiệt hại là 6.458ha. Bộ đã nhận được thống kê của các tỉnh đề nghị hỗ trợ như Phú Yên là 63 tấn lúa giống, 16 tấn rau, Khánh Hòa 800 tấn lúa giống, 26 tấn ngô giống, 2 tấn hạt rau giống, 1 tấn hạt giống hoa; Ninh Thuận 200 tấn lúa giống, 10 tấn ngô giống. Những yêu cầu bức thiết này sẽ được thực hiện gấp rút, chỉ có ổn định sản xuất nông nghiệp thì người dân mới an cư và tiếp tục khắc phục những thiệt thòi đã phải gánh chịu.

 Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng đã quyết định thành lập 4 đoàn công tác bao gồm các đơn vị: Cục Trồng trọt, Chăn nuôi, Thủy sản, Thú y, Khuyến nông, Thủy lợi cùng các địa phương rà soát lại đánh giá thật kỹ, khá sát với tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đề ra giải pháp tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân tới. Hàng chục hộ dân nuôi tôm chuyên nghiệp ở Khánh Hòa cho biết; Nếu được hỗ trợ con giống thì sẽ cố hết sức để gượng dậy làm ăn. Khâu trước mắt là cứu đói đã làm xong thì phải nghĩ đến lâu dài nếu không người dân bỏ đìa, bỏ ruộng thì càng phức tạp hơn.

Dù đã nắm được thông tin nhưng hàng trăm hộ dân chuyên trồng hoa cảnh ở Bình Ngọc (Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn trong trạng thái phấp phỏng. Ông Phạm Minh Tùng, đại diện hàng trăm hộ dân cho biết; chúng tôi là nông dân chỉ biết trông vào cây cảnh, hoa cảnh. Nếu không hỗ trợ sản xuất thì làng hoa, làng cây này sẽ bị xóa sổ mất vì không ai còn tiền mà sản xuất tiếp nữa. Chỉ mong kế hoạch hỗ trợ sớm được thực hiện để người dân khỏi phải quay quắt như thế này nữa. Các vùng chuyên canh hoa màu, cây cảnh ở Khánh Hòa mong muốn được khôi phục sản xuất. Những thùng mỳ, bì gạo chỉ giải quyết được cơn đói trước mắt chứ không tạo kế sinh nhai lâu dài được.

 Như một cách sẻ chia với những nông dân trong giai đoạn khó khăn, ông Lê Minh Hành, GĐ công ty cây trồng Minh Hành (TP.Hồ Chí Minh) cho biết; không để người dân tê liệt sản xuất được. Vậy nên tôi sẽ sớm đưa khoảng 10.000 gốc hoa, hơn 100 ký hạt hoa giống các loại cùng nhiều cây trồng khác ra hỗ trợ cho người dân. Sở NN&PTNT Khánh Hòa cũng cho biết sẽ kết hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các cấp chính quyền địa phương để khôi phục sản xuất cho nhân dân. Coi đây là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là khâu cung cấp giống. 

ĐÔNG HƯNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh