Khoảng 388 triệu phụ nữ, trẻ em gái trong tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn cầu
- Tây Y
- 16:03 - 13/02/2023
Phụ nữ chiếm đa số trong những người nghèo khổ trên thế giới và phải đối mặt với một số rủi ro về sức khỏe mà đàn ông ít gặp phải hơn. Hiểu được mối liên hệ giữa nghèo đói và sức khỏe của phụ nữ là rất quan trọng trong việc hạn chế, tiến đến xóa bỏ các nguy cơ đe dọa tính mạng mà nhiều phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển phải đối mặt trong suốt cuộc đời của họ.
3 rủi ro sức khỏe của phụ nữ liên quan đến nghèo đói
Thiếu khả năng tiếp cận với thực phẩm giàu chất dinh dưỡng là một trong những hậu quả nguy hiểm nhất của nghèo đói và ảnh hưởng lâu dài đến năng suất lao động ở người lớn, cũng như sự phát triển ở trẻ nhỏ. Khi hộ gia đình nghèo đói, không đủ lương thực, phụ nữ thường có xu hướng là người ăn cuối cùng để nhường phần hơn cho chồng con. Tuy nhiên, cơ thể phụ nữ cũng cần lượng chất dinh dưỡng tương tự như đàn ông, nên làm vậy sẽ dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, dinh dưỡng còn đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai và suy dinh dưỡng vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến các biến chứng như thiếu máu, xuất huyết, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ lẫn con.
Liên quan đến nghèo đói (PRDs) là các bệnh truyền nhiễm phát sinh từ điều kiện vệ sinh kém, ô nhiễm không khí trong nhà, suy dinh dưỡng… như HIV/AIDS, sốt rét, bệnh lao và nhiễm trùng đường hô hấp (ví dụ, viêm phổi).
Theo một nghiên cứu năm 2008, một bộ phận các quốc gia đang phát triển thường có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe chưa tốt, khiến việc tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị của người dân khó khăn hơn, đặc biệt là người sống ở khu vực nông thôn, vùng xa, vùng sâu. Bên cạnh đó, thiếu tự chủ và độc lập về tài chính khiến việc chăm sóc sức khỏe nằm ngoài tầm với của phụ nữ nghèo vì họ phải phụ thuộc vào chồng hoặc các thành viên nam khác trong gia đình để tiếp cận các dịch vụ y tế; thiếu giáo dục khiến phụ nữ không thu nạp được kiến thức về vấn đề sức khỏe.
Những rủi ro sức khỏe dựa trên giới tính
Theo WHO, năm 2020, 90% trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung trên toàn cầu xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình do thiếu kinh phí cho các dịch vụ xét nghiệm, điều trị. Tử vong mẹ cũng là một vấn đề dai dẳng ở các quốc gia đang phát triển, nơi khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc khẩn cấp bị hạn chế, khoảng 295.000 phụ nữ tử vong “trong và sau khi mang thai, sinh con trong năm 2017”.
Nỗ lực hướng tới các giải pháp tháo gỡ
Mối liên hệ giữa nghèo đói và sức khỏe của phụ nữ rất rõ, song những thay đổi về xã hội và tài chính có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề. Ở Kyrgyzstan, UN Women vận động các hộ gia đình san sẻ gánh nặng công việc gia đình cùng phụ nữ, tạo điều kiện cho họ đi làm việc ở bên ngoài, nhằm nỗ lực tạo ra một “sân chơi” bình đẳng hơn giữa phụ nữ và đàn ông.
Tại Tanzania, Tổ chức phi chính phủ Every Mother Counts hoạt động nhằm cải thiện kết quả sức khỏe cho phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển thông qua việc “hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế, cung cấp các nguồn lực y tế, nâng cao khả năng tiếp cận cộng đồng và giáo dục sức khỏe cho phụ nữ nông thôn”. Từ năm 2017, Every Mother Counts hợp tác với Tổ chức Phát triển Phụ nữ Maasai để đáp ứng nhu cầu của các nhóm yếu thế, chẳng hạn như phụ nữ nghèo. Đến nay, ước tính Every Mother Counts đã cải thiện cuộc sống của hơn 185.000 người ở Tanzania.