Khoảng 3 triệu lao động và 200 nghìn doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được hỗ trợ
- Tây Y
- 01:05 - 21/03/2020
Thưa Bộ trưởng, hiện nay sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đình đốn, người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm bởi dịch bệnh Covid-19. Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ LĐ-TB&XH đã kiến nghị gì với Chính phủ để ổn định phát triển sản xuất và hỗ trợ người lao động?
Với trách nhiệm của mình, Bộ đã xây dựng một Đề án rất toàn diện, đồng bộ xung quanh vấn đề chăm lo, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như người lao động ổn định sản xuất và đời sống, đồng thời cũng tạo điều kiện để phát triển thị trường lao động. Đi liền với nó nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn, ngừng việc hoặc giãn hoặc mất việc, đặc biệt giải quyết đối với chính sách người lao động. Ngày 18/3, Bộ đã hoàn thiện Đề án tổng thể với 6 nội dung chính để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thảo luận trong Phiên họp thường kỳ tháng 3 năm nay.
Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ cũng đã chủ động để triển khai hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí và tử tuất theo nguyên tắc những doanh nghiệp có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và doanh nghiệp bị 50% thiệt hại do ảnh hưởng của dịch.
Bên cạnh đó, Bộ đã và đang trình Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là có thể nâng cao mức hỗ trợ và tập trung mở rộng hơn đối tượng bao gồm tất cả những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch thì đều được tạm dừng đóng BHXH.
Thứ hai là tất cả những doanh nghiệp không khống chế tỷ lệ 50 % mà thậm chí 10% người lao động bị ảnh hưởng thì đều được tạm dừng đóng BHXH
Thứ ba, đối với những doanh nghiệp mức sản xuất kinh doanh giảm thu 50% có thể áp dụng ngay. Trong trường hợp như vậy, chúng ta hoàn toàn đủ điều kiện, đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình hiện nay.
Nếu doanh nghiệp được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội thì quyền lợi của người lao động có bị ảnh hưởng không, thưa Bộ trưởng?
Việc sử dụng Quỹ bảo hiểm để hỗ trợ cho người lao động trong thời gian mất việc không ảnh hưởng gì đến tình hình việc làm hiện tại. Bởi công ăn việc làm là một phạm trù hoàn toàn khác. Còn việc hỗ trợ của bảo hiểm nhằm hỗ trợ cho người lao động trong lúc khó khăn trong lúc thời gian mất việc tạm ngừng việc và để chúng ta có khả năng tái tạo việc làm mới, để ngưng việc một thời gian sau đó khi phục hồi sản xuất tiếp tục quay trở lại sản xuất.
Đây là một trong những giải pháp để hỗ trợ người lao động và hỗ trợ doanh nghiệp trong tổng thể các giải pháp mà Chính phủ đưa ra
Hiện phí Công đoàn rất lớn và Quỹ bảo hiểm kết dư rất nhiều, chúng ta sẽ sử dụng các quỹ này thế nào để hỗ trợ DN và người lao động?
Trong đề án của Bộ trình Thủ tướng đã đề xuất rất kỹ 3 vấn đề này.
Thứ nhất là đối với việc tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất, chúng ta cần mạnh dạn mở rộng đối tượng, mở rộng hơn cho các doanh nghiệp, mở rộng hơn đối với người lao động.
Với quy mô trong đề xuất này, chúng ta hoàn toàn có thể hỗ trợ được từ 1,5-3 triệu người lao động và từ 100.000-200.000 doanh nghiệp. Với quy mô như vậy, số tiền tương ứng từ 25.000 - 49.000 tỷ trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020.
Thứ hai là về bảo hiểm thất nghiệp với 3 hỗ trợ : Một là, tạm dừng đóng từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020. Hai là miễn đóng tất cả những người mất việc, ngừng việc và không có việc do ảnh hưởng của Covid-19.
Ba là giải quyết toàn bộ phần hỗ trợ trở lại cho doanh nghiệp, để đào tạo nghề, chuyển đổi công việc và coi đây là một giải pháp để giữ chân người lao động. Đây cũng là cơ hội để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng kỹ năng người lao động.Tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn đáp ứng được. Và với quy mô như vậy, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm hưu trí tử tuất hoàn toàn có khả năng đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo được tính bền vững của quỹ.
Tổng số tiền hỗ trợ ước tính khoảng bao nhiêu, thưa Bộ trưởng?
Riêng việc hỗ trợ thông qua việc tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí tử tuất và bảo hiểm thất nghiệp sẽ tương đương với số tiền 150.000 tỷ đồng. Chúng tôi tin rằng với 150.000 tỷ đồng này và cách thức tác động như vậy chúng ta sẽ tạo ra sự ổn định rất lớn cho xã hội, đó là điều quan trọng nhất.
Thứ hai là sẽ tạo điều kiện người lao động có khả năng thích ứng trong giai đoạn đầu, nhất là chuyển đổi công việc, giải quyết vấn đề tạm ngưng việc lúc ban đầu.
Thứ ba là hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn để tái tạo lại sản xuất kinh doanh.
Còn riêng với vấn đề về tạm dừng đóng kinh phí công đoàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là một vấn đề rất lớn và thời gian vừa qua các hiệp hội, các doanh nghiệp cũng đã đề xuất rất nhiều. Bộ đã trao đổi trực tiếp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổng LĐLĐ đã thống nhất: Trước mắt thống nhất tạm ngừng việc đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp mà có 50 % mọi người lao động gặp khó khăn trong quá trình mà tác động của Covid-19 và trước mắt tạm ngừng cho đến tháng 6, sau đó sẽ tiếp tục xem xét cho tới tháng 12/2020, còn nguyện vọng giảm hay dừng dài hơi hơn thì chúng ta phải có những đánh giá rất đầy đủ, sâu sắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền cho ý kiến bởi vì đây là những vấn đề đã được quy định trong Luật.