THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:28

Vẫn khoán trắng, bỏ hoang, nợ đọng kéo dài ở các nông lâm trường

 

Hội thảo diễn ra ngày 9/10, do Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), phối hợp tổ chức.


“Nhà nước cần tách bạch đất sử dụng cho mục đích công ích và sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc quản lý hiệu quả tài sản công khỏi sự lợi dụng của các nhóm lợi ích, giảm nguy cơ tham nhũng đối với các đơn vị được trao quyền quản lý tài nguyên của quốc gia.", ông Nguyễn Văn Hồng, đại diện nhóm nghiên cứu của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam kiến nghị.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay tình trạng tranh chấp vi phạm pháp luật về đất đai trong các nông, lâm trường vẫn còn diễn ra phổ biến, kéo dài nhiều năm, nhất là các tỉnh khu vực Tây Nguyên, một số tỉnh miền Đông Nam bộ.

Đơn cử như tại tỉnh Đắk Nông, do năng lực quản lý của các nông lâm trường tại địa phương bộc lộ nhiều yếu kém, nên đến nay, rừng ở địa phương này dường như không còn gỗ để khai thác, và tốc độ phá rừng dường như cũng không kịp kiểm soát. Trong khi đó, ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhận định, sau quá trình chuyển đổi, từ năm 2004 đến nay, cả nước đã có 2 lần rà soát, tổng kiểm kê đất và rà soát quy hoạch tổng thể các loại rừng.


“Tuy nhiên, công tác cắm mốc, đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn không được triển khai đồng bộ đã dấn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính như giao đất có thu hồi tiền sử dụng đất, hay thuê đất,” ông Tiến thông tin.

Ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài Chính cho rằng, phải tập trung giải quyết triệt để pháp luật hành chính về đất đai, ngăn chặn và không làm phát sinh thêm các giao dịch mua bán đất rừng không đúng quy định pháp luật, sớm ban hành quy hoạch sử dụng với 47 triệu ha đất nông lâm trường quốc doanh (NLTQD), giải quyết hồ sơ địa chính về đất đai; giải pháp đồng bộ hơn để giải quyết kịp thời các bất cập về quản lý, sử dụng đất đai tại các NLTQD, tăng trách nhiệm của địa phương, đặc biệt Bộ NN&PTNT xem lại Điều 13, Nghị định 118.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, Tập đoàn Cao su Việt Nam kiến nghị, phải có một quy hoạch tổng thể các loại hình sản xuất cho cây trồng của NLTQD, tuân thủ tuyệt đối việc quy hoạch sau khi đã xác thực tính khoa học và thực tiễn, coi việc phá vỡ quy hoạch là việc làm vi phạm nghiêm trọng đến quá trình phát triển của xã hội. Khi đã giao đất thì phải ổn định lâu dài, tránh thu hồi phá vỡ quy hoạch chung. Phải xem đa dang hóa cây trồng, ngành nghề là xu hướng phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm bổ trợ lẫn nhau. Tăng cường quản lý nhà nước đối với sử dụng đất đai, tránh tình trạng “rừng vô chủ”, “đất vô chủ”, sử dụng không hợp lý kéo dài…

Về hoạt động tổ chức, theo ông Tiến, hiện nay chỉ có một số doanh nghiệp cao su sản xuất, kinh doanh có lãi, còn phần lớn các nông lâm trường quốc doanh hoạt động kém hiệu quả. Đặc biệt, tại một số nơi vẫn còn tình trạng khoán trắng, bỏ hoang đất đai; trong khi trách nhiệm về tài chính đất đai của nông lâm trường quốc doanh còn chưa được thực hiện dẫn tới nợ đọng tài chính kéo dài.

Số gỗ bị tịch thu từ các vụ lâm tặc khai thác trái phép (Ảnh minh họa)

Để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nêu trên, theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết về việc tăng cường quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường; tăng cường giám sát trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong việc quản lý, sử dụng đất và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường.

 Đồng tình quan điểm trên, ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, cho rằng để tháo gỡ những “bùng nhùng” về đất đai, việc cấp thiết là rà soát lại diện tích đất đai giao khoán, cho thuê tại các nông lâm trường; đồng thời tổng kết các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả để phổ biến nhân rộng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển theo chuỗi giá trị...

Tham gia góp ý tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, đến thời điểm này, Nhà nước cần tái cơ cấu lại đất nông lâm trường theo hướng “đoạn tuyệt” với cơ chế quản lý theo mô hình chủ quản của bộ, ngành, để giảm các khoản đầu tư của Nhà nước. “Trong việc này, nếu Nhà nước cần nắm đất nông lâm trường để sản xuất kinh doanh thì tiếp tục đổi mới, còn nếu không cần nắm thì dứt khoát phải giao cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững,” ông Sinh chia sẻ.


Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước có 54 nông, lâm trường, Ban quản lý rừng còn diễn ra tranh chấp với diện tích hơn 18.300 ha (điển hình là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Bình Thuận, và một số đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty giấy Việt Nam, Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam). Ngoài ra, trên cả nước hiện có 76 nông, lâm trường, ban quản lý rừng đang bị lấn chiếm với diện tích gần 59.700 ha (điển hình như Công ty cổ phần Đông Triều, Công ty cao su 1-5, và Công ty 30/4 Tây Ninh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Konplong, Đắk Hà, Ngọc Hồi…)

Nguyễn Thanh / Lao động & Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh