THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:02

Khó phân biệt rau củ quả sạch

Theo khảo sát của phóng viên, tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy… mặt hàng rau củ quả khá phong phú và đa dạng nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đa phần người tiêu dùng đều có thói quen tiện đâu mua đấy và không thể phân biệt được rau trồng thông thường hay rau sản xuất theo quy chuẩn an toàn.

Đáng lưu ý, tại các chợ dân sinh, hầu hết những người bán rau đều khẳng định mình bán rau sạch, an toàn. Song khi nhắc đến nguồn gốc và quy chuẩn thì phần lớn đều trả lời mập mờ hoặc khẳng định là rau nhà trồng nên đảm bảo chất lượng.

Chị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, "Gia đình tôi có người già và trẻ nhỏ nên rất cần rau an toàn để đảm bảo cho cả gia đình nhưng không biết địa chỉ nào bán nên thường lựa chọn siêu thị để mua. Tuy nhiên, rau an toàn tại một vài siêu thị hoặc các cửa hàng rau sạch thường bán rất chậm do ít người mua nên vài ngày họ mới nhập thêm đợt rau khác cho nên rau không được tươi ngon. Nhiều lần vào cửa hàng rau sạch tôi lại phải ra chợ để mua rau về ăn".

Rau củ quả sạch vẫn khó tiêu thụ - Ảnh 1.

Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn rau, củ quả sạch tại các siêu thị hoặc cửa hàng rau sạch.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, bà thường tới một cửa hàng rau sạch trên đường Láng Hạ để mua các sản phẩm rau sạch. Khi PV hỏi chất lượng sản phẩm có đảm bảo không, có an toàn thật không thì bà cũng thừa nhận khó có thể biết được đâu là loại rau củ thật sự sạch và an toàn.

"Trên thực tế không có gì để chứng minh được hàng mình mua tại các điểm này là an toàn hơn ngoài chợ dân sinh. Người bán nói là rau sạch và an toàn, lại là chỗ mua quen từ lâu nên tôi mua bằng lòng tin mà thôi".

Chị Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) thì cho biết, rau sạch hay an toàn bán trong các cửa hàng thường đắt hơn bán ngoài sạp nhiều. Do đó để đảm bảo cho an toàn thực phẩm cho cả gia đình tuần nào chị cũng đều đặn về quê hoặc nhờ người nhà gửi rau, củ quả lên. Khi được hỏi làm thế nào để biết thực phẩm là sạch chị nói thực phẩm do người nhà tự gieo trồng, chăm sóc nên đảm bảo an toàn.

Nhiều bà nội trợ cũng có tư tưởng như chị Hạnh khi cho rằng để tránh việc tiêu thụ phải rau phun thuốc trừ sâu, nhiễm hóa chất độc hại… trong khi giá rau sạch lại đắt đỏ, thì tự trồng rau tại nhà, tận dụng các hộp xốp hoặc khoảng không gian trống trong nhà để trồng rau là biện pháp tối ưi.

Chị Huyền (Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: "Ban đầu gia đình tôi định trồng ít rau sạch để nấu bột cho con ăn, tuy nhiên thấy hiệu quả trồng kiểu này khá cao nên tôi tăng gia trồng thêm cho cả gia đình cùng ăn. Các loại rau trồng chủ yếu là rau mầm, rau đay, mùng tơi, rau cải... Những loại này mình có thể mua hạt giống ngoài chợ, chỉ cần tưới nước là rau lên xanh mướt. Trồng khoảng nửa tháng là được ăn. Nhiều khi rau lên nhanh chưa kịp ăn, tôi còn mang cho mấy chị ở cơ quan".

Quỳnh Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh