Khó giữ lao động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 22:52 - 04/08/2016
Loay hoay trong việc lấp đầy các vị trí nhân sự
Thực tế cho thấy, ở các khách sạn 4 - 5 sao, vị trí quản lý cấp trung, cao; nhân viên có kỹ năng và ngoại ngữ hiện nay đang thiếu nghiêm trọng. Nguyên nhân là do đội ngũ này quá tuổi, bị đối thủ cạnh tranh mời gọi hoặc chuyển sang các ngành dịch vụ khác có thu nhập, chế độ tốt hơn. Đối với vị trí tổ trưởng, quản lý nhà hàng, khách sạn, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải giỏi tiếng Anh, tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật.
Nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức cho các ứng viên muốn theo ngành này vì đội ngũ nhân lực ngành nhà hàng khách sạn của Việt Nam hiện còn rất yếu về khả năng ngoại ngữ, cũng như những kỹ năng mềm, dẫn đến những hạn chế trong quá trình phục vụ khách hàng và khó có khả năng vươn lên các vị trí cao. Đơn cử như tại khách sạn Caravelle, một số vị trí quản lý phải mất thời gian dài mới tìm được người phù hợp. Không chỉ vậy, khách sạn còn bỏ không ít thời gian đào tạo và thử thách đối với nhân viên mới. “Tại bộ phận ẩm thực của khách sạn, vị trí Phó Giám đốc đã để trống hơn 6 tháng vẫn không tìm được nhân lực. Nhiều đầu bếp, thợ pha chế tay nghề cao cũng “nhảy” qua hệ thống khách sạn nước ngoài. Để có lao động cấp cao, chúng tôi phải bỏ khoản chi phí rất cao”, ông Nguyễn Đông Hòa, Phó tổng Giám đốc khách sạn Caravelle cho biết.
Đánh giá về cơ hội việc làm trong ngành du lịch, nhà hàng khách sạn tại Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho rằng, ngành này đang có rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực lớn. Do ngành du lịch, nhà hàng khách sạn đang phát triển nhanh chóng, hiện có nhiều đơn vị mới ra đời, nên nhân lực hiện tại chưa thể đáp ứng kịp nhu cầu của ngành.
Việt Nam “khát” nhân lực cấp cao
Bà Lê Phương Thảo, Giám đốc nhân sự khách sạn JW Marriott cho rằng, hiện nay nguồn nhân lực của Việt Nam còn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của các nhà hàng khách sạn. Với các vị trí trung bình, nguồn nhân lực đáp ứng gần đủ, tuy nhiên với các vị trí cao hơn từ trợ lý quản lý trở lên, hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60% nhu cầu của thị trường lao động.
“Hiện nay có rất nhiều trường đại học tại Việt Nam đào tạo về ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhưng hầu hết mới chỉ tập trung đào tạo về kỹ năng công việc, chứ chưa có những môn học chuyên sâu về quản lý, lãnh đạo. Do vậy, tạo ra một nghịch lý là các bạn trẻ tốt nghiệp ra trường nhưng vẫn thất nghiệp, trong khi đó, các nhà hàng khách sạn lại vẫn đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao” - bà Thảo cho biết.
Cũng theo chia sẻ của bà Lê Phương Thảo, hiện các nhà hàng khách sạn đều đang hướng tới việc tạo ra nguồn nhân lực địa phương. Theo đó, người Việt sẽ nắm các vị trí cấp cao trong các đơn vị này thay vì người nước ngoài như trước kia. Mới đây hiệp hội nhân sự trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn đưa ra ý tưởng thành lập một tổ chức nhân sự với mục đích nuôi dưỡng nguồn nhân lực “từ trong trứng nước”. Với kế hoạch này, các ứng viên sau khi trải qua vòng phỏng vấn, sẽ được xếp vào nhà hàng hay khách sạn, phù hợp với năng lực của từng ứng viên. Sau quá trình làm việc, nhân viên được hoàn thiện kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn sẽ được nâng lên các khách sạn cao cấp hơn hoặc các vị trí làm việc cao hơn. Như vậy sẽ tránh được hiện tượng chảy máu chất xám.
Ông Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, cho rằng, DN trong nước thường chủ quan, ép nhân viên nhận thù lao thấp. Trái lại, hệ thống nhà hàng, khách sạn của nước ngoài lại có nhiều đãi ngộ cho người lao động. Mặt khác, nhân viên làm ở nhà hàng, khách sạn cao cấp có nhiều cơ hội việc làm ở lĩnh vực mới khi thường xuyên tiếp xúc với “khách VIP”. “Mức lương vẫn là yếu tố quan trọng để giữ chân lao động. Hiện mức lương của vị trí phục vụ, lễ tân... đại đa số trong nhà hàng, khách sạn chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Đó cũng là nguyên nhân đẩy lao động có năng lực ra khỏi ngành”, ông Hùng nói.