Khiếu nại, tố cáo giảm nhưng mức độ ngày càng phức tạp
- Tây Y
- 01:29 - 05/10/2016
Công dân khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015, thể hiện trên các chỉ tiêu: Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 5,4%, số đoàn đông người giảm 9,6%; tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 10,6%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyêt của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Mặc dù tình hình khiếu kiện của công dân có xu hướng giảm nhưng vẫn diễn ra rất phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại các tỉnh Miền Trung.
Nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết. Tình trạng công dân khiếu kiện đông người, chây ỳ, thường xuyên tập trung tại các khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tòa nhà Quốc hội, Trụ sở các cơ quan Trung ương... căng băng rôn, khẩu hiệu nhằm gây áp lực với các cơ quan Trung ương, gây mất an ninh trật tự.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng khiếu nại, tố cáo hiện nay được Thanh tra Chính phủ nhận định do chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.
Mặt khác, việc sửa đổi chưa đồng bộ, quy hoạch đất đai chưa được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ, khoa học với các loại quy hoạch phát triển khác có liên quan, khó thực thi, thậm chí có phần mâu thuẫn với nhau giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Một số vụ việc khiếu nại về đất đai, nhà cửa do lịch sử để lại, trong khi đó chính sách của Nhà nước đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố nên công dân bức xúc khiếu nại kéo dài nhiều năm, rất khó xử lý khi áp dụng pháp luật để giải quyết.
Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội ở nông, lâm trường, vùng tái định cư.... Đáng chú ý, có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không sử dụng, để hoang hóa hoặc chuyển nhượng dự án thu lợi khiến công dân bức xúc, khiếu kiện gay gắt.
Cần công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết các công việc của Nhà nước đối với dân.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc hơn nữa về các vấn đề như: nguyên nhân của tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân vẫn còn chậm được khắc phục, hiệu quả tiếp công dân chưa cao; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt thấp hơn so với năm 2015 và chưa đạt kết quả so với mục tiêu đề ra (trên 85%).
Báo cáo cũng cần làm rõ tình trạng việc đơn thư tố cáo tăng hơn năm trước về số lượng đơn thư và số lượng vụ việc; vì sao khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn phức tạp, chiếm số lượng lớn (65,8%); hiệu quả giải quyết chưa tiến bộ hơn so với các năm trước trong khi Quốc hội đã ban hành Luật đất đai 2013 và Nghị quyết 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng này do chưa giải quyết triệt để từ cơ sở; đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ hơn về tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo, còn tồn đọng bao nhiêu vụ việc, phát sinh bao nhiêu vụ việc... đặc biệt là đơn thư gửi trực tiếp gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Do vậy, cần có dự báo về tình hình này trong thời gian tới, trong đó đặc biệt làm rõ trách nhiệm của địa phương và cơ quan chức năng các cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần công khai, minh bạch khi giải quyết công việc đối với dân
Không đồng tình với đánh giá của Chính phủ cho rằng trong khiếu nại hành chính, đối với lĩnh vực đất đai, nguyên nhân do "chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất...", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng những đánh giá này đã được đề cập và là lý do để sửa đổi Luật Đất đai, nếu bây giờ lại tiếp tục đưa những lý do này là nguyên nhân của tình trạng khiếu nại, tố cáo liệu có phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, nguyên nhân quan trọng nữa đó là tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết các công việc của Nhà nước đối với dân. "Trong phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, giải pháp của mọi giải pháp là công khai minh bạch" , Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Đề nghị xem xét lại vụ phóng viên Quang Thế Đề cập đến vụ phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ) bị đội cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh, Hà Nội “gạt tay trúng má”, Chủ nhiệm UB Tư pháp, Lê Thị Nga cho rằng, đây là một ví dụ cần phải xem xét lại giữa chủ trương giải quyết và thực tế áp dụng. Sự việc xô xát giữa viên cảnh sát và phóng viên xảy ra ở cầu Nhật Tân, Thượng sĩ Ngô Quang Hưng bị xử lý kỷ luật khiển trách, nhà báo Quang Thế (báo Tuổi trẻ) bị phạt hơn 14 triệu (căn cứ vào Nghị định 67) vì một số lỗi trong đó có lỗi đi vào khu vực cấm và chụp ảnh khi chưa được phép tác nghiệp. “Từ clip đưa tin trên báo chí chính thống, người có thẩm quyền của Công an Hà Nội trả lời là “đồng chí Ngô Quang Hưng đã có hành vi dùng tay gạt trúng má của nhà báo Quang Thế, giơ chân đá nhưng không trúng nhà báo Quang Thế”. Việc này gây ồn ào trong dư luận, không chỉ ở cộng đồng trên mạng mà cán bộ chúng ta nhiều người cũng rất bức xúc” - bà Nga nói. Chủ nhiệm UB Tư pháp phân tích, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, để sự việc nhỏ không biến thành việc to, không để gây ra dư luận hiểu nhầm thì các cơ quan quản lý nhà nước phải làm công khai và nghiêm minh. “Với những vụ như thế, “gây bão” dư luận như thế, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng an ninh phải có sự theo dõi, kiểm tra xử lý nghiêm minh, công bằng, thuyết phục, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và nhà nước” - bà Nga nhấn mạnh. “Với những vụ việc phức tạp thế thì Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cả Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng phải có ý kiến để xử lý nghiêm minh, công bằng, thuyết phục, xử sao cho cả người trong cuộc và ngoài cuộc tâm phục khẩu phục, để trấn an và tạo niềm tin cho dư luận” – bà Nga đề nghị. |