THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:35

Khi viết về trẻ em cần lưu ý điều gì?

Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Ths. Phùng Quốc Việt, Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em cho biết: Chủ đề nâng cao truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em là một chủ đề khá rộng, bởi nói về truyền thông bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chúng ta có thể nói về nuôi dưỡng, về chăm sóc thể chất, chăm sóc đời sống tinh thần, về ngăn ngừa phòng chống những tai nạn, rủi ro, những điều không tốt đe dọa cuộc sống, tính mạng của trẻ như tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực trong gia đình, nhà trường; bóc lột lao động, xâm hại trẻ em... Những nội dung trên lâu nay vẫn được báo chí thông tin, tuyên truyền hướng tới mục đích bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Khi viết về trẻ em cần lưu ý điều gì? - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự lớp tập huấn.

Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan tới trẻ em luôn là đề tài nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong 5 năm gần đây, từ 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV trong giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Những con số trên là những trường hợp được phát hiện/báo cáo; thực tế có thể còn lớn hơn. Các cơ quan chức năng đang cố gắng phòng, chống để hạn chế thấp nhất những rủi ro/thiệt thòi mang đến cho trẻ em.

Đây cũng chính là lý do để Tạp chí Gia đình và Trẻ em tổ chức lớp tập huấn nâng cao truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí và một số cán bộ phóng viên thuộc các cơ quan báo chí, truyền thông liên quan tới trẻ em.

Tại buổi tập huấn, Ths. Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, muốn phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả phải bắt đầu từ chính các gia đình, từ cha mẹ và người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ.

Mặc dù có rất nhiều giải pháp đã và đang được triển khai nhưng tình trạng xâm hại trẻ em vẫn tiếp tục gia tăng. Lý giải cho sự gia tăng này, Ths. Vũ Văn Dũng cho biết, đó một phần nhờ báo chí phát hiện ra các vụ việc; một phần do người dân tin tưởng hơn vào các cơ quan pháp luật và cơ quan bảo vệ trẻ em nên đã mạnh dạn tố giác kẻ xấu. Tuy nhiên, cũng có một phần lý dó, trẻ em bị xâm hại ngày một gia tăng do cha mẹ và người chăm sóc lơ là, chưa quan tâm đến con em mình một cách đúng mực. Ths. Vũ Văn Dũng cho rằng, muốn phòng, chống xâm hại trẻ em hiệu quả không chỉ cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội có liên quan mà phải bắt đầu từ chính các gia đình, từ cha mẹ và người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ. "Chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn để giáo dục trẻ cách phòng, tránh xâm hại tình dục. Cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện với con cái về những vấn đề tế nhị, dạy cho trẻ biết rằng không ai được chạm vào "chỗ riêng tư" của trẻ. Xâm hại tình dục là phạm pháp và trẻ có quyền từ chối những cái ôm hoặc những tiếp xúc gây khó chịu…", ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng tại buổi tập huấn, các phóng viên đến từ các cơ quan báo chí thảo luận về nguyên nhân, thực trạng trẻ em bị xâm hại và những lưu ý khi viết về các vụ việc này. Tất cả đều đồng tình với quan điểm: Trẻ em không bao giờ có lỗi khi bị xâm hại. Người lớn không được phép đổ lỗi cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Việc trẻ bị xâm hại thuộc về trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Theo quy định của Luật Trẻ em, khi để xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em người đứng đầu nhà trường, xã/phường nơi đó phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó, các nhà báo khi đưa tin về các vụ trẻ em bị xâm hại tình dục nên bảo vệ danh tính cho trẻ và gia đình trẻ, tránh đưa các thông tin quá cụ thể, tránh viết giật gân, câu khách vì điều này khiến trẻ có bị xâm hại thêm một lần nữa.   

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh