THỨ NĂM, NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2024 11:48

Khi sự im lặng trở thành đáng sợ



Ảnh minh họa

               Có phải xã hội hiên đại ngày nay, hầu như trong những cuộc họp đông người, những vấn đề được nêu ra, báo cáo, thảo luận càng ngày càng vắng những ý kiến trung thực, phản biện, những phân tích, dẫn chứng để tìm ra những giải pháp thích hợp để xử lý mà hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ, khen là chính .Tại sao vậy ? Có phải vì những ý kiến thẳng thắn hay đụng chạm tới người này người nọ dễ làm mất lòng họ, bị ghét và như vậy là tự mình “đánh mất phiếu tín nhiệm” trước tập thể, cơ quan, đơn vị đó.? Có phải sự thực dụng của con người đã chi phối hiện tượng này? Có phải người ta thích ủng hộ nhau bằng cách im lặng, thể hiện chính kiến bằng những cái vỗ tay ? 

           Thật đáng buồn là trong một buổi họp mặt đông người, bạn sẽ bị coi là “không khôn ngoan” nếu động đến lãnh đạo, cấp trên, đồng cấp và  những người khác.Thật đau xót khi “Khôn ngoan” là người im lặng, mỉm cười và không nói gì cả !.

Nếu nhìn vào những người im lặng và “không bàn chuyện chính trị” kia mà tưởng rằng họ không quan tâm đến chính trị thì lầm to. Vẫn chính những người đó đã cười sung sướng thế nào khi xem hài “Gặp nhau cuối năm” – chương trình hài đả kích các lãnh đạo một cách kín đáo, tế nhị.  Nếu bạn gặp riêng và gặng hỏi họ tại sao trong cuộc họp đó, những vấn đề đó bạn biết rõ vậy mà không phát biểu ý kiến thì họ chỉ cười và trả lời rất dễ nghe đại loại như : vấn đề này mà nói ra thì dài lắm, sao đủ thời gian cho mình nói hay đại loại là” tôi định phát biếu thì thấy muộn giờ rồi, vì còn nhiều nội dung khác...”

          Tôi từng nghe nhiều người dám nhận xét người Việt bây giờ “hèn”, không sợ bom đạn nhưng “sợ quyền lực”, “ùa theo quyền lực. Nhận xét ấy có vẻ đúng cho nhiều trường hợp trong thời gian gần đây nhưng có lẽ không phải cho tất cả.

          Sự im lặng “khôn ngoan” đó có nhiều lý do mà lý do căn bản nhất là vụ lợi, ích kỷ nhưng thật ra đó chỉ là khôn ngoan nhất thời. Về lâu dài, ý thức an phận dần dần sẽ biến thành bàng quan, thờ ơ, vô trách nhiệm, vô cảm. Điều đó ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt đời sống xã hội, làm mất dần nhân cách sống, làm băng hoại đạo đức và nhân phẩm trong mỗi con người. Nếu quả vậy thì thật là tệ hại.

         Cùng là một sự việc nhưng nếu mình lên tiếng, người khác lên tiếng để bảo vệ cái đúng, ít gộp lại thành nhiều sẽ tạo nên sự thay đổi. Ngược lại, ai cũng nghĩ rằng “chẳng thay đổi được gì” thì nó sẽ mãi mãi như vậy.

         Chúng ta liệu có muốn con cái mình được sinh ra và lớn lên trong một xã hội dân chủ hơn, giàu có hơn và văn minh hơn? Điều đó khó xảy xa nếu không thay đổi ý thức ngay từ ngày hôm nay.

Thanh Bình

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh