Khí phách trong phát biểu của nữ Chủ tịch Quốc hội
- Tây Y
- 22:10 - 06/05/2016
(Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân)
Theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh (bài “Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: 'Chúng ta không cam chịu, không cúi đầu!'), tại cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh này với cử tri quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cử tri Nguyễn Phước Tấn trăn trở:
“Tôi rất băn khoăn về vấn đề biên giới biển đảo Việt Nam bị xâm lấn, thậm chí họ còn đưa các vũ khí hiện đại tới các đảo chiếm đóng của chúng ta. Tất cả người dân Việt Nam yêu nước đều trăn trở về vấn đề này”.
Trả lời ông Tần và cử tri về những băn khoăn, trăn trở trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chưa bao giờ vấn đề chủ quyền đất nước, an ninh quốc gia, biển đảo lại thôi thúc trong lòng mỗi người dân Việt Nam như lúc này.
“Tranh chấp giữa hai nhà với nhau nếu không ưa nhau thì có thể bán nhà đi chỗ khác ở được. Còn đây là quốc gia. Đất nước này là của chúng ta, chúng ta không đi đâu được, đời đời kiếp kiếp phải sống chung với “người hàng xóm” như vậy. Đất nước này là của chúng ta và chúng ta phải ở đây. Chúng ta phải chấp nhận ba anh láng giềng dù họ có đối xử tốt hay không.
Nhân dân chúng ta không thể để chiến tranh từ đời này sang đời khác. Nhưng nếu ai đánh mình thì mình phải đánh lại, không cam chịu, không cúi đầu… Chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”. Bà Ngân nói.
Đây là những suy nghĩ và lời nói thấu đáo, song mang đầy khí phách của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam.
Đúng là quốc gia không phải như cái nhà hay con thuyền, thích thì ở, không thích thì chuyển đi chỗ khác.
Người xưa có câu: “Chọn bạn mà chơi, chọn xóm mà ở”. Trong truyện cổ của người Trung Quốc cũng có câu chuyện kể về một người mẹ chuyển nhà mấy lần để tìm chỗ ở tốt cho con, tránh xa nơi xấu xa, tội lỗi.
Thế nhưng với một quốc gia thì không thể như vậy. Dù xấu, dù tốt cũng không thể di dời mà “đời đời, kiếp kiếp phải ở đây”.
Cho nên may mắn và hạnh phúc cho một quốc gia, một dân tộc có những người láng giềng tử tế. Và ngược lại, sẽ là bi kịch cho những quốc gia, dân tộc phải sống cạnh người láng giềng xấu xa, tồi tệ.
Và càng bi kịch hơn, nếu người láng giềng đó vừa to, khỏe, vừa hung hăng cậy lớn lại vừa luôn mang ý đồ xâm chiếm bờ cõi giang sơn.
Việc băn khoăn, trăn trở của ông Tần và cử tri là bởi từ lâu, Trung Quốc không ngừng gia tăng những hoạt động ở các vùng biển đảo mà họ xâm lấn trái phép như xây lấp đảo, đưa vũ khí hạng nặng… và cả ngang nhiên cử đoàn văn công ra đảo của Việt Nam để “úy lạo” binh sĩ của họ.
Tất nhiên là chúng ta không bao giờ “cúi đầu”, “cam chịu” dù đất nước ta đã liên tục trải qua các cuộc chiến tranh như lời của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân: “Nhân dân chúng ta không thể để chiến tranh từ đời này sang đời khác. Nhưng nếu ai đánh mình thì mình phải đánh lại, không cam chịu, không cúi đầu…”.
“Đánh mình thì mình đánh lại, không cam chịu, không cúi đầu” là câu nói đầy khí phách của con cháu bà Trưng, bà Triệu, khí phách Việt Nam.
Khí phách bà Trưng, Bà Triệu là khí phách của hành động, cưỡi voi trên cạn, chém cá kình dưới biển khơi, phải không các bạn?