Khi mới đi làm đừng đặt nặng về thu nhập - Đây mới là những thứ người trẻ cần quan tâm!
- Bác sĩ
- 14:55 - 14/05/2020
Rất nhiều bạn trẻ khi ra trường đều đặt nặng việc phải có một mức thu nhập, một khoản lương cứng cao, hấp dẫn. Nhưng cuộc đời thật vốn không như là mơ. Nơi có lương cao, đãi ngộ tốt thì cần nhiều năm kinh nghiệm. Nơi cần ít kinh nghiệm và sẵn sàng đào tạo thì chế độ lại chẳng hấp dẫn.
Vậy đâu mới là hướng đi đúng cho những bạn trẻ mới ra trường? Một trong những điều quan trọng cho những người mới xin việc là xây dựng bộ tiêu chí cho chính bản thân mình. Hãy biết sắp xếp thứ tự ưu tiên các tiêu chí để làm định hướng tìm cho mình một bến đỗ phù hợp. Và đừng vội vàng coi trọng tiền lương, đây mới là những tiêu chí bạn cần đặt ra cho những công việc khi mới bắt đầu đi làm.
1. Chọn Sếp - Chọn Thầy: Người định hướng sự nghiệp cho bạn
Khi tách từ môi trường đại học sang môi trường công sở, sếp chính hay quản lý trực tiếp chính là những người thầy đầu tiên của bạn.
Sang một môi trường sống mới, gần như bạn sẽ trở về một số 0 tròn trĩnh và bắt đầu lại từ đầu: Bắt đầu học hỏi cách làm việc, bắt đầu học hỏi cách xử lý, cách giao tiếp tại chốn công sở phức tạp. Ở đây, nếu không kịp hòa nhập, không kịp bắt vào guồng quay công việc, bạn rất dễ dàng đi chệch hướng và bị đào thải. Với những người có nhiều kinh nghiệm, đó sẽ là một việc khá dễ dàng vì họ là người từng trải. Còn với những bạn mới ra trường thì sẽ mất thời gian lâu hơn để bắt được nhịp công việc.
Khi đó, quản lý sẽ giống như người thợ lắp ráp bạn là bánh răng vào bộ máy vận hành chung của công ty, định hướng vị trí phù hợp cho mỗi thành viên cấp dưới. Đồng thời, họ cũng sẽ giống như những người thầy dạy bạn từ những chuyên môn đến giao tiếp và phát triển trong công việc chứ không chỉ đơn thuần là giao công việc cùng deadline. Những người sếp đầu tiên là người có ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng cũng như cách làm việc của những bạn mới đi làm.
Chọn được người sếp có tâm và có tầm, họ sẽ nhìn nhận được những năng lực mà có thể chính bạn còn chẳng thể nhìn ra. Họ giúp bạn phá bỏ những giới hạn bản thân và đạt được mục tiêu trong nghề nghiệp. Với những nhà lãnh đạo, họ còn nhìn được con đường phía trước và có định hướng đúng đắn cho đường dài cấp dưới của mình. Ấy thế mà bạn sẽ gặp rất nhiều trường hợp có những cặp bài trùng sếp và nhân viên hay đội/nhóm luôn đồng hành với nhau dù cả khi họ "nhảy việc" sang nơi khác.
2. Môi trường làm việc cạnh tranh công bằng và cho bạn được thử - sai
Chúng ta phải thừa nhận một sự thật là bất kỳ môi trường công sở cũng đếu có chuyện "đấu đá nội bộ" dù ít hay nhiều. Văn phòng nào cũng đều giống như những "hậu cung thu nhỏ", có sự hợp tác và cũng có ganh đua, đố kỵ. Nhưng ít nhất, nơi làm việc luôn cần có chuẩn mực của sự cạnh tranh công bằng.
Một môi trường công sở độc hại là khi bạn cảm nhận tại đó có những sự cạnh tranh thiếu công bằng, ngay cả với những người đồng đội trong phòng ban mình. Việc các cá nhân trong tập thể không cùng nhau phát triển về chuyên môn và chỉ chăm chăm tìm lỗi, đấu tố nhau khiến cho chất lượng công việc đi xuống. Đồng thời, các thành viên trong đội, nhóm văn phòng không được gắn kết mà làm việc rời rạc thì bạn nên nói lời chào sớm với những công ty như này.
Một môi trường tốt với những bạn trẻ mới ra trường cần là một nơi cần có sự cạnh tranh công bằng và phát triển chuyên môn. Nếu sau một thời gian làm việc mà bạn cảm thấy bản thân học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích và có ham muốn phát triển thêm những kỹ năng ở chỗ làm hiện tại thì đó là nơi lý tưởng để chúng ta cống hiến.
Đồng thời, một nơi làm việc lý tưởng cũng là một nơi dám cho bạn được thử sai. Những người mới đi làm là những tờ giấy trắng nhưng họ cũng là những người có tư duy sáng tạo và táo bạo nhất. Họ không bị kìm kẹp bản thân bởi những kinh nghiệm hay tư duy làm việc vốn có. Nhờ vậy, một môi trường sáng tạo, sẵn sàng cho người trẻ thử, được phép sai để có những kinh nghiệm là một trường thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của nhân viên.
Nhưng đừng quên, bạn có thể sai, có thể vấp ngã nhưng bạn cần biết đứng dậy và rút kinh nghiệm sau những sai sót. Nếu không, chính bạn cũng sẽ bị đào thải nếu không biết điều chỉnh tư duy phù hợp với với công việc hiện tại.
3. Nhìn thấy lộ trình thăng tiến của bản thân
Một trong những câu trả lời khó khăn nhất với những người mới đi làm đó là: "Bạn sẽ là ai trong những năm tới?". Nhiều bạn nghĩ đơn giản rằng chỉ cần một công việc với thu nhập ổn định, mức đãi ngộ tốt ở hiện tại là được. Đó là điều mà chính các bạn đang dần tự giết chính mình trong tương lai. Trước mỗi biến cố, sự ổn định sẽ đẩy chúng ta tới bờ vực hiểm nguy. Để thoát khỏi tư duy của sự ổn định, mỗi người cần vạch ra lộ trình phát triển và thăng tiến cho chính bản thân.
Những công việc đầu tiên chính là những công việc định hướng lộ trình phát triển cho các bạn mới ra trường. Đây là nơi đào tạo và thiết lập tư duy cho những người mới, đi lên từ số 0. Do vậy, nó rất quan trọng tạo ra sự tư duy trong quy trình làm việc và lộ trình phát triển cá nhân.
Khi bắt đầu đi làm, bạn hãy chọn những công ty có chế độ thường xuyên đánh giá năng lực và chế độ cho nhân viên. Thông thường sẽ là 3 đến 6 tháng hoặc mỗi năm 1 lần tùy theo mỗi công ty. Điều đó sẽ giúp cho nhân viên có sự cạnh tranh và nhìn thấy được thành quả bản thân trong quá trình làm việc. Như vậy, bạn dễ vạch ra chính xác những bước đi trong sự nghiệp của mình.
Có những bạn trẻ có khả năng làm đa dạng các công việc nhau nhưng cuối cùng khi nhìn lại thì chưa có việc nào hoàn thành tốt cả hay cũng chẳng được công nhận năng lực. Thành tích, sự công nhận hay cấp bậc làm việc là những minh chứng rõ ràng nhất thể hiện năng lực cá nhân của bạn trong công việc.. Đừng quên việc hoàn thiện và phát triển kết quả công việc của bản thân một cách cụ thể. Làm như vậy, bạn dễ đạt được thành công trong chính công ty đang làm việc. Hoặc dù sau này, bạn có nhảy việc cũng sẽ nhanh chóng được săn đón với những phúc lợi hấp dẫn nhờ vào những kết quả công việc hiện tại.
4. Văn hóa công ty phù hợp
Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị, niềm tin, hình thức mà mọi người trong doanh nghiệp cùng công nhận và suy nghĩ, nói, hành động như một thói quen, giống như đời sống tinh thần và tính cách của một con người và là phần quyết định đến sự thành bại về lâu dài của doanh nghiệp.
Những thành phần của văn hóa doanh nghiệp gồm 3 phần chính: Tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi.
Khi lựa chọn công việc thì bạn cũng đừng quên kiểm tìm hiểu thông tin về công ty, doanh nghiệp sắp tới đây bạn sẽ cống hiến. Mỗi công ty, tập đoàn đều có những nét văn hóa và giá trị cốt lõi riêng - nền tảng để phát triển và vận hành bộ máy hoạt động. Tùy vào từng ngành nghề và lĩnh vực của hoạt động sản xuất kinh doanh mà mỗi công ty chọn cho mình một nét văn hóa riêng. Bạn cần nhìn nhận không chỉ vấn đề năng lực có đáp ứng với công việc hay không mà còn tính cách cá nhân có phù hợp với văn hóa công ty nữa.
Có nhiều công ty nhỏ, với đa phần người trẻ thì thường sẽ có môi trường năng động và thoải mái hơn. Điều đó tạo nên sự gắn kết giữa sếp và công ty. Mặt khác, một số tập đoàn lớn lại đi theo hướng "Thượng tôn kỷ luật" với nhiều quy định để tôi luyện nhân viên.
Mỗi các quản lý và văn hóa đều có điểm mạnh riêng. Quan trọng là bạn phải chọn được công ty phù hợp để có thể phát triển được tại môi trường này. Không hiếm các trường hợp các bạn rất thích công việc đang làm nhưng bản thân lại không phù hợp với văn hóa công ty dẫn đến việc nghỉ việc đáng tiếc. Đây là một tiêu chí quan trọng cho những bạn trẻ cần tìm hiểu mỗi khi muốn bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp.
Kết:
Những năm tháng bắt đầu đi làm là khoảng thời gian chênh vênh và khó toàn vẹn được mọi mong muốn của bản thân người trẻ. Đây là khoảng thời gian tiền mà họ cần phải học hỏi, trau dồi nền tảng để có những bước phát triển mới trong sự nghiệp. Đừng nên đặt nặng thu nhập hôm nay mà tạo ra rào cản phát triển cho tương lai. Chọn được người sếp, người đồng nghiệp sẵn sàng bước cùng bạn "chiến đấu", một môi trường thử thách giúp bạn phá bỏ những giới hạn, đó chính là những thành công sẽ giúp bạn tiến bước trên đường dài sự nghiệp phía trước.