THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:12

Khi làng quê trở thành nơi đáng sống

Người dân Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Nội đã áp dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi cây trồng đem lại nguồn thu nhập cao.

Người dân Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Nội đã áp dụng khoa học kỹ thuật chuyển đổi cây trồng đem lại nguồn thu nhập cao.

Diện mạo mới của những làng quê trù phú

Đến các xã của huyện Đan Phượng (Hà Nội) những ngày này chúng tôi cảm nhận được phong trào xây dựng NTM đã giúp mảnh đất ven đô khởi sắc từng ngày. Từ trung tâm huyện về xã, quãng đường không xa, được trải nhựa phẳng lì. Bao quanh những con đường bê tông sạch đẹp là những bức tường bích họa đầy màu sắc, hay những hàng cây xanh và hoa được cắt tỉa gọn gàng; những ngôi nhà được gắn biển số chẳng kém gì đô thị. Nhìn ra các cánh đồng, thửa ruộng là bạt ngàn những vườn phong lan, ly, cúc, hồng… được chăm sóc cẩn thận.

Là 1 trong 5 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đến với Song Phượng, chúng tôi ấn tượng nhất với vùng quê này là con đường hoa dọc theo trục chính của xã, dài gần 1km, với các loài hoa: Hồng, cúc, ban, tường vi. Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch HĐND xã Song Phượng cho biết: Để đạt danh hiệu NTM kiểu mẫu, Song Phượng đã tập trung nâng cao cơ sở vật chất trường học. Hiện, cả 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và trung học đều đạt chuẩn quốc gia. Về nông nghiệp, xã Song Phượng tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, công nghệ cao. Năm 2021, giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 480 triệu đồng, HTX nông nghiệp Song Phượng được lựa chọn là đơn vị đại diện nhãn hiệu tập thể hoa Đan Phượng, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm; 4/4 hộ nghèo đã thoát nghèo, không còn nhà tạm, xuống cấp trên địa bàn xã.

“Về cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là thương mại dịch vụ; giá trị nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 12%, chủ yếu là trồng hoa, cây ăn quả. Lao động của xã đi làm, kinh doanh tại thị trấn, trong thành phố nên góp phần đưa thu nhập bình quân của xã hơn 78 triệu đồng/người/năm”, ông Bùi Văn Đức thông tin.

Mô hình trồng nho đen đã giúp người dân huyện Đan Phượng, Hà Nội có thu nhập cao.

Mô hình trồng nho đen đã giúp người dân huyện Đan Phượng, Hà Nội có thu nhập cao.

Không chỉ tạo dựng được môi trường sống tốt cho người dân, những năm qua, Đan Phượng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), coi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trước đây, huyện Ba Chẽ là một trong những địa phương khó khăn nhất tỉnh Quảng Ninh, nhưng nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Diện mạo nông thôn “thay da đổi thịt”. Hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Kinh tế phát triển, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) chỉ đạt 4,68 triệu đồng/người, đến nay đã đạt 60 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 77,17% (năm 2010) xuống còn 0,95% (năm 2022).

Bước vào quá trình xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, nhưng Quảng Ninh đã tạo đột phá lớn, đạt những kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, đời sống người dân được cải thiện, văn hóa xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc, sản xuất nông nghiệp phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, Quảng Ninh có 98/98 xã đạt chuẩn NTM; 54/98 xã đạt chuẩn nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 13 địa phương cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.

Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành công cuộc xây dựng NTM, về đích sớm hơn 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. Cùng với đó, tỉnh cũng hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2022, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo là 0,34%, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06% tổng số hộ dân trong tỉnh.

Hiện thực hóa khát vọng kiến tạo nông thôn thành nơi đáng sống

Một trong những địa phương có nhiều đổi thay rõ rệt sau khi triển khai chương trình xây dựng NTM chính là xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Những ngày này, về vùng quê Tân Cương, đi trên các ngả đường liên xóm rộng rãi, sạch đẹp, rẽ vào nhiều nương chè là đường bê tông với những căn biệt thự xinh xắn của người dân, ít ai biết rằng, để có được một Tân Cương xinh đẹp hôm nay, người Tân Cương đã phải tự đấu tranh với chính mình để đi đến quyết định hiến đất, đóng góp vật chất, ngày công… nhựa hóa đường trục xã, cứng hóa đường trục xóm, liên xóm rộng 5m cho ô tô đi lại thuận lợi.

Khung cảnh bình yên ở những xã nông thôn mới.

Khung cảnh bình yên ở những xã nông thôn mới.

Không chỉ hiến đất, ngày công và tiền của để đầu tư cho giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng cũng được cứng hóa. Đồng thời, tất cả 12 xóm đều có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao. Toàn xã không còn nhà dột nát, duy nhất 1 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Nhờ cơ sở vật chất được bảo đảm, tạo đà cho sản xuất phát triển, thu nhập bình quân tính theo đầu người tại Tân Cương đạt gần 50 triệu đồng/người/năm.

Nhấn mạnh về vai trò của chương trình NTM trong việc thay đổi diện mạo các vùng quê, nâng cao đời sống của người dân, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết: Trên hành trình về những miền quê đáng sống, chứng kiến những đổi thay tích cực của nông thôn Việt Nam trong xây dựng NTM, chúng tôi cảm nhận rõ hơn quyết tâm không "mặc đồng phục" cho các làng quê. Giai đoạn vừa qua, rất nhiều địa phương đã hoàn thành trước thời hạn nhờ huy động được các nguồn lực ngoài ngân sách từ doanh nghiệp và sự tham gia của người dân.

Hình ảnh NTM dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng, miền nhằm đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn, từng bước được hình thành và tạo nên những khác biệt giữa các miền quê đáng sống đang dần hiện hữu. Đó là thành quả từ quyết tâm dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo và người dân.

Không chỉ làm thay đổi diện mạo các vùng quê, chương trình xây dựng NTM còn góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm mạnh. Khảo sát gần đây cho thấy Chương trình xây dựng NTM đã có đóng góp tích cực đối với thúc đẩy liên kết sản xuất ở nông thôn.

Đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.

Đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp.

Đã xuất hiện nhiều mô hình đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị. Một trong những nét đặc sắc của Chương trình xây dựng NTM là việc triển khai đề án OCOP, tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản địa phương…

Theo ông Ngô Trường Sơn, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất gấp 1,5 lần so với năm 2020.

“Vì vậy, trong xây dựng NTM giai đoạn tiếp theo, các địa phương cần chú ý đan xen giữa công trình và mảng xanh, tạo ra những không gian sinh hoạt cho cộng đồng, sự giao lưu, kết nối của cư dân nông thôn và mở ra cách tiếp cận với khu vực đô thị. Mong rằng, các địa phương sẽ có nhiều sáng kiến để sau khi kết thúc Chương trình có thể tự hào giới thiệu cho cả nước, thậm chí là cả thế giới, hình ảnh "di sản nông thôn" của địa phương mình”, ông Ngô Trường Sơn nhấn mạnh.

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh