CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:20

Khi người về hưu đùa cợt với kỷ luật

 

Câu nói này được xem là đã “đùa cợt” với kỷ luật Đảng khi đảng viên vi phạm. Nhất là trong bối cảnh cán bộ, đảng viên cả nước đang rất kỳ vọng vào quyết tâm phòng chống tham nhũng và nỗ lực xây dựng chỉnh đốn Đảng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và tập thể BCH Trung ương đang quyết tâm thực hiện.

Việc kỷ luật cán bộ đã về hưu, hủy bỏ tư cách “nguyên bộ trưởng, nguyên bí thư, nguyên chủ tịch” ở các bộ ngành, địa phương vì những sai phạm mà họ gây ra khi còn đương chức, có lẽ là chuyện lần đầu tiên xảy ra trong nỗ lực đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống suy thoái tư tưởng đạo đức, hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ đảng viên, nhất là những cán bộ đảng viên nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan của Đảng và chính quyền. 

Những hình thức kỷ luật ấy cho thấy tinh thần kiên quyết làm trong sạch đội ngũ, gìn giữ thanh danh, làm cho Đảng ngày một trong sạch vững mạnh hơn, trên tinh thần “không có vùng cấm”, rằng không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

 

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng. Ảnh: Người lao động

 

Lẽ thường, một người có tự trọng, nghe một lời phàn nàn, nhận một ánh nhìn không hài lòng của người khác, hẳn đã đóng cửa xem lại mình. Với người từng đứng đầu một tỉnh, một thời là “phụ mẫu dân chi” lại càng phải tự trọng hơn khi nghĩ về những lời mình từng nói, những việc mình từng làm, chứ không thể nói về hưu là hết chuyện. Bởi đó là trách nhiệm của đảng viên với lý tưởng, với lời thề danh dự của mình với Đảng.

Việc đã từng làm của ông cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai khi còn đương chức được Ủy ban Kiểm tra TƯ kết luận “sai phạm nghiêm trọng” đến mức “phải kỷ luật” là: Chỉ đạo làm đường nhập khẩu gỗ từ Lào trái quy định; vi phạm trong chỉ đạo quản lý đất đai; chỉ đạo bổ nhiệm người thân không đủ điều kiện... Đặc biệt là sai phạm nghiêm trọng trong việc chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su, dẫn đến rừng mất, dân nghèo, gây hệ lụy lâu dài về kinh tế - xã hội và môi trường.

Thế nhưng, trả lời báo chí về những sai phạm của mình, ông cựu Chủ tịch tỉnh này đã buông một câu nhẹ hều như chẳng có chuyện gì, rằng: “Tôi nghỉ hưu 2 năm rồi, họ muốn xử thế nào thì xử!”.

Một câu nói mà ai nghe được cũng cảm nhận được sự bỡn cợt của một người từng đứng đầu tỉnh, coi thường kỷ luật của Đảng đối với cán bộ đảng viên sai phạm, khi tự cho rằng, đã về hưu, chẳng cần gì phải giữ thể diện!

Ông cựu chủ tịch tỉnh thản nhiên nói như vậy vì ông nghĩ rằng, cùng lắm thì mình cũng chỉ bị “xóa tư cách nguyên Chủ tịch tỉnh” như mức kỷ luật đã cảnh cáo đối với cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng… mà thôi.

Một câu nói rất khó nghe, không ai chấp nhận. Nhưng khốn nỗi, đó lại là sự thật. Sự thật là những hình thức kỷ luật đánh vào danh dự dường như không mấy tác dụng với những cán bộ nghỉ hưu kiểu này!

Tại phiên họp thứ 11 của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cuối năm ngoái, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, luật pháp là tối thượng. Có những cái luật chưa đáp ứng đủ, chúng ta phải điều chỉnh".

Từ sự đúc kết của Tổng bí thư, đến câu nói của ông cựu chủ tịch tỉnh, thiết nghĩ cần phải điều chỉnh cơ chế giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi sai trái của cán bộ, công chức khi họ còn tại vị.

Với người về hưu, nếu phát hiện sai phạm, phải có những hình thức xử lý mạnh hơn nữa. Cần truy cứu trách nhiệm hình sự nếu những sai phạm của họ gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, công dân, hoặc liên quan đến tham nhũng.

Nếu chưa đến mức xử lý hình sự, nhưng đã đến mức khai trừ khỏi Đảng, xóa toàn bộ các chức vụ cũ, không trả lương hưu, buộc bồi thường thiệt hại nếu gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng thì cũng là việc nên làm, để không chỉ người đương chức biết sợ, mà người về hưu cũng không thể xem thường kỷ luật. Không thể để người đã nghỉ hưu đùa cợt với việc kỷ luật mình như ông cựu Chủ tịch tỉnh Gia Lai. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh