Khép lại một kỳ đại hội nhiều dấu ấn của thể thao châu Á
- Tây Y
- 00:59 - 03/09/2018
Màn pháo hoa rực rỡ tại lễ khai mạc ASIAD 2018.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/9, bà Herty Purba - Giám đốc phụ trách nghi lễ của Ủy ban Tổ chức ASIAD 2018 - cho biết lễ bế mạc sẽ nêu bật chủ đề “Một cộng đồng châu Á thống nhất,” đề cao sức mạnh đoàn kết, tinh thần thượng võ, sự đa dạng văn hóa, di sản và kế thừa tinh hoa của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này.
Sau thành công vang dội của lễ khai mạc ASIAD 2018, đạo diễn tài ba Wishnutama tiếp tục được trao trọng trách "thổi hồn" cho lễ bế mạc sự kiện trọng đại này. Chi phí ước tính cho buổi lễ tối nay khoảng 32 triệu USD - tương đương ngân sách dành cho lễ khai mạc.
Trong lần thứ hai đăng cai ASIAD, Indonesia đã nỗ lực tối đa từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, vệ sinh môi trường và cả công tác an ninh. Tổng chi phí của nước chủ nhà cho ASIAD 2018 lên tới hơn 2 tỷ USD.
Nhìn lại hơn hai tuần tranh tài không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Các cổ động viên quốc tế đến với Xứ Vạn đảo đều cảm nhận được sự mến khách, thân tình và chu đáo của người dân nước sở tại cũng như của Ban tổ chức ASIAD 2018.
Á vận hội năm nay vượt qua tất cả các kỳ đại hội trước về số vận động viên tranh tài, với hơn 11.000 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á, tranh 465 bộ huy chương của 40 môn thể thao.
Kỳ ASIAD 2018 cũng là lần đầu tiên nhiều môn thể thao như trượt ván, kurash, dù lượn, đánh bài được đưa vào thi đấu, dẫn đến sự đa dạng lứa tuổi của các vận động viên từ 9-81 tuổi.
Có tới sáu kỷ lục thế giới mới được thiết lập tại ASIAD 2018. Các cung thủ Hàn Quốc xác lập hai kỷ lục thế giới ở nội dung cung ba dây 50m hỗn hợp và nội dung cung một dây 70m hỗn hợp.
Hai kỷ lục thế giới môn bắn súng thuộc về nội dung bắn đĩa đơn nam (xạ thủ người Đài Loan-Trung Quốc) và bắn đĩa đồng đội hỗn hợp (xạ thủ Trung Quốc đại lục).
Vận động viên Sohrab Moradi của Iran giành Huy chương Vàng, lập kỷ lục thế giới nội dung cử tạ nam hạng 94kg tại ASIAD 2018.
Đô cử người Iran Sohrab Moradi lập kỷ lục thế giới khi cử giật đạt mức 189kg, trong khi "kình ngư" Trung Quốc Lưu Sương lập kỷ lục thế giới nội dung 50m bơi ngửa với thành tích 26 giây 98.
Bên cạnh các kỷ lục thế giới, hàng chục kỷ lục ASIAD cũng bị phá tại giải đấu năm nay, phần lớn đến từ những môn Olympic nhóm 1 như bơi lội, điền kinh và thể dục dụng cụ.
Tại ASIAD 2018, Nhật Bản đã ngoạn mục soán ngôi Trung Quốc trên "đường đua xanh." Sau bốn kỳ Á vận hội chịu cảnh đứng sau Trung Quốc ở môn bơi, Nhật Bản đã giành lại vị thế số 1 tại ASIAD 2018 với số lượng huy chương sít sao.
Cả Nhật Bản và Trung Quốc cùng có 19 Huy chương Vàng, tuy nhiên Đất nước Mặt Trời mọc giành thắng lợi nhờ nhỉnh hơn đối thủ ba Huy chương Bạc. Như vậy với tổng cộng 52 huy chương ở môn bơi (19 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc và 13 Huy chương Đồng), Nhật Bản có lần thứ 11 giành ngôi đầu nội dung ASIAD, Trung Quốc đứng thứ hai với 50 huy chương (19 Huy chương Vàng, 17 Huy chương Bạc và 14 Huy chương Đồng).
ASIAD tại Indonesia cũng là nơi tượng đài cử tạ Trung Quốc sụp đổ. Ở chín kỳ Á vận hội gần nhất Trung Quốc đều là đoàn mạnh nhất môn cử tạ. Năm nay, một đội đô cử hùng hậu của Trung Quốc vẫn tới Indonesia, song không được phép thi đấu vì dính dáng tới doping. Đoàn Triều Tiên đã tận dụng cơ hội này để giành tới tám Huy chương Vàng môn cử tạ, thống trị sức mạnh của Á vận hội.
Tuy bị hạ bệ ở môn bơi và môn cử tạ, nhưng đoàn Trung Quốc vẫn tiếp tục dẫn đầu ở môn điền kinh, dù thế thống trị của họ bị đất nước nhỏ bé Bahrain với rất nhiều vận động viên châu Phi nhập tịch uy hiếp mạnh mẽ.
Tại ASIAD 2018, đoàn điền kinh Trung Quốc giành ngôi số 1 điền kinh với 12 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc và 9 Huy chương Đồng; Bahrain xếp thứ 2 cũng có 12 Huy chương Vàng nhưng kém về số lượng Huy chương Bạc.
Dù sao, trong làng thể thao châu Á, Trung Quốc với gần 1,5 tỷ dân và lực lượng vận động viên được sàng lọc kỹ lưỡng luôn thống trị vị trí dẫn đầu. Tại giải lần này, vị trí số 1 toàn đoàn cũng không thoát khỏi tay Trung Quốc khi họ đoạt 132 Huy chương Vàng trong tổng số 289 huy chương.
Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo của Việt Nam giành Huy chương Vàng nội dung nhảy xa nữ tại ASIAD 2018.
Với chiến lược tôi luyện cho Olympic 2020 sẽ diễn ra trên sân nhà, đoàn Nhật Bản đã bất ngờ vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng tổng sắp huy chương ASIAD 2018, với 74 Huy chương Vàng trong tổng số 204 huy chương - bỏ xa Hàn Quốc xếp thứ 3 với 49 Huy chương Vàng trong tổng số 176 huy chương. Đây được xem là hiện tượng đổi ngôi thú vị nhất tại đại hội lần này. Từ chỗ hơn Nhật Bản 32 Huy chương Vàng cách đây 4 năm, giờ Hàn Quốc bị Nhật vượt xa đến 25 Huy chương Vàng.
Bùi Thị Thu Thảo (giữa) đăng quang đấu trường ASIAD, hướng đến đấu trường thế giới, Olympic
ASIAD 2018 là kỳ đại hội thành công với Thể thao Việt Nam, khi đoàn Việt Nam đứng thứ 17 trên bảng tổng sắp huy chương của đại hội, với 4 Huy chương Vàng - vượt chỉ tiêu đề ra - cùng 16 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng. Trước đó, thành tích của Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2014 ở Incheon (Hàn Quốc) là vị trí thứ 17, với 1 Huy chương Vàng duy nhất.
Tại Indonesia những ngày vừa qua, Thể thao Việt Nam đã ghi nhận nhiều mốc son lịch sử như tấm Huy chương Vàng của Bùi Thị Thu Thảo giành Huy chương Vàng nội dung nhảy xa nữ; Huy chương Vàng Rowing nội dung thuyền 4 nữ chèo đôi hạng nhẹ; Huy chương Bạc nội dung 1.500m tự do môn bơi của Nguyễn Huy Hoàng; đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào tốp 4 đội bóng hàng đầu của ASIAD. Đó đều là những lần đầu tiên ngọt ngào của Thể thao Việt Nam trong suốt lịch sử tham dự sân chơi lớn nhất của thể thao châu lục.