"Khát" nhân lực trình độ cao ngành Công nghệ Nano
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:23 - 01/06/2016
Với một Quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nano vào trong đời sống và công nghiệp, kỹ thuật như thế nào? Triển vọng phát triển ngành Công nghệ Nano tại Việt Nam trong thời gian tới ?
Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương – Giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, đồng chủ trì với GS. TS. Yoji Shibutani (ĐH Osaka) xây dựng và vận hành chương trình thạc sĩ Công nghệ Nano tại Trường Đại học Việt Nhật.
GS. TSKH. Nguyễn Hoàng Lương - Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Nano, đồng chủ trì xây dựng chương trình Thạc sĩ Công nghệ Nano, Trường ĐH Việt Nhật
Giáo sư cho biết tính ứng dụng và xu hướng phát triển của ngành công nghệ Nano hiện nay?
Thế giới đang chứng kiến một sự bùng nổ của Công nghệ Nano, tác động rất mạnh đến nền công nghệ truyền thống. Các ý tưởng, sản phẩm mới của công nghệ Nano hiện đang len lỏi ở khắp mọi nơi, từ trong các sản phẩm phục vụ cuộc sống như dụng cụ gia đình, dụng cụ thể thao, chăm sóc sức khỏe, sản xuất nông nghiệp,... đến các sản phẩm công nghệ cao như máy bay, tàu vũ trụ.
Có thể hiểu một cách tổng quát, Công nghệ Nano là công nghệ nhằm tạo ra các vật liệu, linh kiện và hệ thống có các tính chất mới, nổi trội nhờ vào kích thước nanomét (10-9 m), đồng thời điều khiển được các tính chất và chức năng của chúng ở kích thước nanomét.
Công nghệ Nano đang ngày càng phát triển, là động lực cho các nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực phát triển và mang đến những thành quả có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, nâng cao tiềm lực kinh tế của các quốc gia.
Được đánh giá là ngành có khả năng tạo ra đột phá, các nước như Mỹ, Nhật Bản, các nước thuộc Cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc đã có những đầu tư mạnh mẽ cho Công nghệ Nano. Không chỉ là mối quan tâm của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, Công nghệ Nano cũng thu hút không ít các quốc gia như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Mexico,…
Đối với Việt Nam việc bắt kịp xu thế, nắm bắt được những thành tựu mới của Công nghệ Nano sẽ mang lại lợi thế rất lớn. Những năm gần đây Nhà nước đã và đang quan tâm đầu tư cho Công nghệ Nano, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn đã quan tâm đến phát triển Công nghệ Nano nhưng kết quả chưa được như mong muốn.
Mặc dù còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi cho rằng, với một chiến lược phát triển Công nghệ Nano đúng đắn trong tương lai, đặc biệt đầu tư mạnh mẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lĩnh vực Công nghệ Nano tại Việt Nam sẽ có triển vọng phát triển rất lớn.
Sinh viên trong giờ thực hành Công nghệ Nano
Theo GS thì việc đầu tư phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẽ tạo ra những thay đổi lớn nào trong lĩnh vực Công nghệ Nano?
Theo tôi đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành là quan trọng nhất.
Nhân lực trong ngành Công nghệ Nano hiện còn rất mỏng, trong khi đó nhu cầu về nhân lực trong ngành này là rất lớn, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Số liệu khảo sát, điều tra của JICA năm 2015 về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản cho thấy 63,3% doanh nghiệp được khảo sát có yêu cầu tuyển dụng trình độ Thạc sĩ Công nghệ Nano.
Con số này cho thấy nhu cầu rất lớn, "khát" nhân lực trình độ cao của các công ty hiện nay và sinh viên, học viên ngành Công nghệ Nano đang có những cơ hội và lợi thế việc làm rất lớn.
Để có thể tạo ra bước đột phá, chúng ta cần có một đội ngũ nhà khoa học, kỹ sư có thể tiếp cận với các khu vực sử dụng công nghệ cao, sẵn sàng làm việc cho các hãng sản xuất kinh doanh các sản phẩm công nghệ cao, có đủ tri thức và khả năng để đón đầu, tiếp nhận chuyển giao và vận hành được những công nghệ và thành tựu nghiên cứu mới nhất trên thế giới.
Hơn nữa chúng ta cần có đội ngũ nhân lực có khả năng tiến hành các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, thiết thực, đưa Công nghệ Nano áp dụng vào thực tiễn, tạo ra những đột phá trong ngành Công nghệ Nano và lĩnh vực ứng dụng tại Việt nam.
Trước nhu cầu nhân lực này, hoạt động đào tạo ngành Công nghệ Nano đã bắt đầu được đẩy mạnh, tuy nhiên do một số hạn chế khách quan và chủ quan, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành này không nhiều, chất lượng không đáp ứng được yêu cầu. Sinh viên ra trường đa số không có kĩ năng thực hành và kĩ năng ứng dụng đưa Công nghệ Nano vào thực tế đời sống.
Như vậy thực tế việc đào tạo trong nước còn chưa hiệu quả, hoạt động gửi người đi đào tạo tại nước ngoài cũng đang được đầu tư, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn do chi phí quá cao dẫn tới số lượng bị hạn chế.
Trước thực trạng này, giải pháp cần thiết nhất là chúng ta cần có những chương trình đào tạo chất lượng quốc tế ngay tại Việt Nam, nhằm đảm bảo cung cấp được nguồn nhân lực chất lượng cho ngành Công nghệ Nano.
Được biết Trường ĐH Việt Nhật đang được kỳ vọng là môi trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có chương trình thạc sĩ Công nghệ Nano. Xin GS. cho biết những điểm ưu việt của chương trình?
Trường ĐH Việt Nhật là biểu tượng trong hợp tác về giáo dục và nhận được sự đầu tư rất lớn từ hai phía Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Các chương trình đào tạo tại Trường được xây dựng sau một thời gian dài nghiên cứu các chương trình đào tạo tiên tiến nhất hiện nay, bởi nhóm chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản và Việt Nam.
Chương trình thạc sĩ Công nghệ Nano tại Trường ĐH Việt Nhật được xây dựng dựa trên chương trình đào tạo của ĐH Osaka, Nhật Bản có điều chỉnh phù hợp với Việt Nam. Chương trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa các kiến thức chuyên ngành, nhóm ngành và các kiến thức chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Công nghệ Nano. Nhiều thành tựu và những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực Công nghệ Nano tại Việt Nam, Nhật Bản và quốc tế sẽ được đưa vào nội dung giảng dạy. Học viên của Chương trình được tham gia các đề tài, dự án mũi nhọn nghiên cứu các hiện tượng ở kích thước nano trong một số lĩnh vực như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Dược, Môi trường và Năng lượng với các giáo sư uy tín.
Điều đặc biệt, tối thiểu 50% học viên sẽ được đài thọ toàn bộ chuyến thực tập đến 03 tháng tại các trường ĐH, tổ chức, doanh nghiệp tại Nhật Bản (khoảng 5000 USD/ suất). Đây cũng là cơ hội rất lớn cho học viên có cơ hội trực tiếp làm nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của các ĐH Nhật Bản.
Đối với những khóa đầu tiên, học viên sẽ nhận được hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam về học phí với mức học phí phải đóng chỉ bằng 1/5 chi thực tế và nhiều suất học bổng hỗ trợ học phí toàn phần và bán phần.
Trường ĐH Việt Nhật đang rất tích cực hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp Nhật Bản trong việc kêu gọi học bổng và cơ hội việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Cụ thể hiện nay đã có 2 doanh nghiệp Nhật Bản đồng ý cấp học bổng, 1 doanh nghiệp đang trong giai đoạn đàm phán. Như vậy học viên của Trường ĐH Việt Nhật đang đứng trước những cơ hội rất lớn về học tập và việc làm.
Với chất lượng đào tạo và những hỗ trợ tối đa, học viên tốt nghiệp từ chương trình Thạc sĩ Công nghệ Nano của Trường ĐH Việt Nhật sẽ nắm vững kiến thức nền tảng và cốt lõi, có trình độ cao về thực hành, có khả năng phát hiện, giải quyết những vấn đề về Công nghệ Nano, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Khóa đầu tiên của 06 chương trình thạc sĩ tại Trường ĐH Việt Nhật sẽ khai giảng vào tháng 9/2016, hạn nộp hồ sơ ngày 10/06/2016 với chỉ tiêu 20 học viên/ chương trình. Thông tin liên lạc tại văn phòng tuyển sinh của trường. Địa chỉ liên hệ: tầng 10 Nhà điều hành, Đại học Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Web: www.vju.vnu.edu.vn
|