CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:18

Khánh thành cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, lãnh đạo các bộ, ngành và đông đảo nhân dân Thủ đô đến dự.

Dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA là 20,591 tỷ Yên, tương đương 4.525 tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam là 817 tỷ đồng).

Khánh thành cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long - Ảnh 1.

Cắt băng khánh thành dự án Khánh thành cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long.

Dự án do Bộ GTVT là chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án Thăng Long được giao tổ chức thực hiện và quản lý dự án, có điểm đầu tại Km0+130, phía Bắc cầu vượt Mai Dịch; điểm cuối tại Km5+497,72 phía Nam cầu Thăng Long.

Tổng chiều dài dự án là 5,367 km, trong đó chiều dài cầu cạn cao tốc 4,591 km. Địa điểm xây dựng tại quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, được thiết kế 4 làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; 2 làn dừng khẩn cấp, 2 dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100 km/giờ.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ: Theo Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, tuyến đường vành đai 3 Thành phố Hà Nội, trong đó có đoạn tuyến từ nút giao Mai Dịch đến cầu Thăng Long có một vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây của Thủ đô Hà Nội, bảo đảm tiết kiệm chi phí, thúc đẩy thông thương, vận tải hành khách, hàng hóa giữa trung tâm Hà Nội với khu vực phía Bắc và vùng lân cận; qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các khu vực này.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị ngành giao thông vận tải, TP. Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước cùng thi đua, nỗ lực phấn đấu để xây dựng, đưa vào sử dụng nhanh, an toàn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả nhiều công trình hơn nữa trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bởi đây là khâu đi đầu, đột phá, góp phần vô cùng quan trọng để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại.

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã tài trợ vốn cho Dự án và tin tưởng rằng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới.

THÀNH NAM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh