Khánh Ly: "Thái Thanh chỉ có một, là Diva thực sự của Việt Nam cho đến tận bây giờ"
- Bác sĩ
- 02:21 - 03/08/2020
Thái Thanh là danh ca, huyền thoại của nền tân nhạc Việt Nam, được nhiều thế hệ ca sĩ kính nể, ngưỡng mộ. Vừa qua, sự ra đi của bà đã khiến công chúng và giới văn nghệ sĩ không khỏi tiếc thương.
Là một trong những người có nhiều kỷ niệm với danh ca Thái Thanh, tại chương trình The Jimmy Show, danh ca Khánh Ly đã nghẹn ngào chia sẻ lại ký ức của mình với bà.
Danh ca Khánh Ly.
Thái Thanh là Diva thực sự của Việt Nam cho đến tận bây giờ
Tôi còn nhớ, vào tháng 4 năm 1975, cô Thái Thanh đến nhà hàng tôi. Lúc đó, chỉ có hai cô cháu thôi, cô ngồi đàn và hát cho tôi nghe. Khoảnh khắc đó là dấu ấn sâu đậm nhất của cô Thái Thanh trong tôi.
Có lẽ, tôi là đứa nhỏ duy nhất mà cô Thái Thanh quý. Tôi không phải bạn của cô Thái Thanh. Bạn của cô phải là bậc trên tôi nữa, nhưng cô vẫn thương tôi lắm.
Cô Thái Thanh không nói ra, nhưng qua những cử chỉ, cái nhìn là tôi biết cô thương tôi. Điều đó khiến tôi rất hãnh diện.
Tôi được nghe cô Thái Thanh từ lúc 7, 8 tuổi. Khi đó, tôi chạy trên phố Hàng Bông, đi qua những cửa tiệm và thấy người ta mở nhạc của cô nên đứng nghe. Nhà tôi không có máy nghe nhạc nên toàn phải đứng nghe ké. Bởi vậy nên tôi nhớ mãi tiếng hát cô Thái Thanh lúc đó, với bài Vợ chồng quê, Em bé quê, Bà mẹ quê.
Thưở nhỏ, tôi như một tờ giấy trắng, cái gì in vào đầu sẽ còn nhớ mãi, cô Thái Thanh cũng vậy.
Cho đến sau này, cô Thái Thanh chính là ngọn hải đăng dọn đường cho tôi, nhưng tôi biết có đi mãi cũng không tới được. Tôi có theo ánh sáng đó cũng chẳng đi tới đâu vì Thái Thanh chỉ có một. Thái Thanh là Diva thực sự của Việt Nam cho đến tận bây giờ.
Với tôi, cô Thái Thanh là một người vĩ đại
Vào năm 1969, chính tôi đã mời cô Thái Thanh về phòng trà Queen Bee do tôi quản lý. Từ lúc đó, tất cả mọi giới mới có phong trào yêu tiếng hát Thái Thanh.
Trước đó, tiếng hát Thái Thanh chỉ giới hạn trong một số khán giả riêng. Họ thường là những doanh nhân, thi sĩ, chủ tịch giàu có. Nhưng sau này, đại đa số quần chúng đã biết đến Thái Thanh qua Mùa thu chết, Kỷ vật cho em, Ngậm ngùi.
Từ đó, Thái Thanh không nhường bước cho ai cả. Tối nào mấy đứa chúng tôi cũng nhao nhao ở phòng trà rằng: "Cô ơi, ngậm, rồi đau, rồi chết", tức là Ngậm ngùi, Nửa hồn thương đau, Mùa thu chết.
Cô Thái Thanh nghe vậy mới bảo: "Mấy đứa này, tụi bay phải để tao hát cho khán giả chứ hát cho chúng mày à". Tôi nghe vậy nhưng vẫn mặc kệ vì tôi yêu, tôi thích được nghe cô Thái Thanh hát.
Tôi nghĩ, có những người đi ra khỏi đời sống của mình là những cú mất không thể tìm lại được. May ra trong những giấc mơ còn gặp lại nhau.
Trong đời sống này, có những cái với người khác chỉ là tầm thường, như hạt cát, hạt bụi thôi, nhưng vào mắt mình lại khiến mình chảy nước mắt. Tôi quý những cái đó lắm và giữ nó trong lòng. Với tôi, cô Thái Thanh là một người vĩ đại.
Khánh Ly, Lệ Thu và Thái Thanh thời còn trẻ.
Tôi có nhiều kỷ niệm vui với cô Thái Thanh lắm. Hồi đó ở phòng trà tôi có cô Hồng Vân chuyên kể chuyện tiếu lâm. Cứ thi thoảng chúng tôi lại ngồi lê lết dưới sàn nghe Hồng Vân kể chuyện, còn cô Thái Thanh ngồi trên một chiếc ghế băng dài.
Chúng tôi cười bò ra, cười chảy nước mắt mỗi khi cô Hồng Vân nhái giọng, kể chuyện nọ chuyện kia. Cô Thái Thanh ngồi trên bảo: "Chúng mày nhé". Phong cách của cô như một người mẹ.
Phải ở trong hoàn cảnh đó, cảm nhận thái độ, tình cảm của cô Thái Thanh, thì mới hiểu được vị trí của cô trong lòng tôi.
Đến khi sang Mỹ, tôi vẫn còn nợ Ngọc Minh 900 ngàn
Tôi nhớ, vào giai đoạn khó khăn, đâu ai còn tiền bạc, tâm trí để vào phòng trà nghe hát. Vũ trường may ra còn hoạt động được vì có thanh nhiên tới nhảy nhót, chứ phòng trà chỗ tôi chỉ có nhạc, không nhảy nên vắng ngắt.
Nhưng dù vắng đến mấy, tôi là người đầu tàu thì vẫn phải trả tiền cho người ta. Đâu ai bỏ không công ra làm cho mình đâu. Tôi lại chẳng quen ai và cũng không biết vay nợ ở đâu hết. May ra lúc đó có ca sĩ Ngọc Minh đi vay tiền giúp tôi.
Vì khó khăn quá nên nhiều lúc tôi phải xin khất với mọi người. Tôi cũng nói với cô Thái Thanh: "Cô ơi, kỳ này cho con trễ mấy ngày nhé".
Khánh Ly và Ngọc Minh
Cô Thái Thanh nghe vậy mới nói: "Được, không sao hết. Tao cũng phục mày thật, người thì nhỏ, tiền không có mà dám mở nhà hàng, mời biết bao người tới".
Tôi biết, tôi kẹt, người ta cũng kẹt, nhưng chị em, cô cháu chúng tôi gần nhau, thương nhau, chia sẻ cho nhau vào những lúc như vậy. Chính những kỷ niệm đó mới là mãi mãi.
Nếu tôi giàu có, rồi ai cũng giàu thì chẳng có gì đáng nhớ. Bây giờ ai cũng kéo nhau đi ăn một bữa 5, 7 triệu được, chẳng sao hết.
Nhưng cái lúc nghèo khó, cơ cực đó mà vẫn ở với nhau, bên cạnh nhau là hạnh phúc lắm.
Thậm chí, vẫn có người đi vay tiền cho tôi là Ngọc Minh. Đến khi sang Mỹ, tôi vẫn còn nợ Ngọc Minh 900 ngàn. Nhưng lúc đó, tôi vẫn chưa có tiền, nên rút ngay chiếc nhẫn đeo ở tay đưa cho Ngọc Minh. Đó là những cái tôi nhớ mãi.