Khánh Hòa: 175 trường hợp ngư dân xin hỗ trợ sau cơn bão 12 đều không đủ điều kiện
- Tây Y
- 00:28 - 06/07/2018
Theo báo cáo kết luận thanh tra công tác xét duyệt hỗ trợ đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do cơn bão số 12 năm 2017 trên địa bàn huyện Vạn Ninh, quá trình lập hồ sơ từ các xã, thị trấn có nhiều sai phạm.
Người dân tụ tập trước cổng UBND tỉnh Khánh Hòa sáng 5/7/2018 đòi giải quyết hỗ trợ sau bão.
Sau khi tiếp nhận 1.087 đơn kiến nghị, phản ánh của người dân về hỗ trợ sai, không đúng đối tượng trên địa bàn huyện Vạn Ninh sau cơn bão số 12 cuối năm 2017, ngày 24/5/2018, UBND huyện Vạn Ninh đã ban hành thành lập đoàn, tiến hành thanh tra công tác xét duyệt hỗ trợ thủy sản để khôi phục sản xuất do ảnh hưởng bão số 12.
Qua điều tra cho thấy, 29 trường hợp tại xã Vạn Hưng không thuộc đối tượng được xét hỗ trợ theo quy định tại Điều 2, Nghị định 02 nhưng UBND xã Vạn Hưng vẫn lập hồ sơ đề nghị và Phòng Kinh tế huyện thẩm định trình UBND huyện phê duyệt hỗ trợ. Đối với 56 trường hợp tại xã Vạn Long, mặc dù hồ sơ có bản kê khai đăng ký ban đầu và có đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại, nhưng qua thanh tra xác định các bản kê khai này kê khai được UBND xã hợp thức hóa, xác nhận sau thời điểm xảy ra cơn bão số 12; do đó không có giá trị chứng minh việc kê khai và xác nhận ban đầu tại thời điểm nuôi trồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định 02.
Xã Vạn Thạnh có 88 trường hợp được phê duyệt hỗ trợ. Qua thanh tra, các bản kê khai ban đầu của các trường hợp này tuy có xác nhận của UBND xã trước thời điểm xảy ra cơn bão số 12 nhưng thông tin không đầy đủ. Tại thời điểm xác nhận, UBND xã Vạn Thạnh không kiểm tra thực tế để xác định số lượng con giống, diện tích, địa điểm, thời điểm bắt đầu thả nuôi của các hộ theo quy định nhưng vẫn xác nhận vào bản kê khai đăng ký ban đầu của các hộ; do vậy, việc xác nhận này hoàn toàn không có cơ sở.
Hơn nữa, khi thiệt hại xảy ra, các hộ và UBND xã không phối hợp để lập biên bản kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại theo thực tế để làm cơ sở cho việc xét hỗ trợ. Vì vậy, các trường hợp này không đáp ứng đầy đủ về thủ tục cũng như điều kiện để được hỗ trợ theo quy định. Đối với 1 trường hợp tại xã Vạn Bình và 1 trường hợp tại thị trấn Vạn Giã, qua thanh tra không đủ các điều kiện theo quy định để được xét hỗ trợ,
Theo báo cáo của UBND huyện Vạn Ninh, sau cơn bão số 12, toàn huyện có gần 2.900 hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Sau khi rà soát toàn bộ số hồ sơ gửi lên từ cơ sở, xét thấy có 175 hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện hỗ trợ theo các quy định của Nhà nước, huyện đã ra quyết định phê duyệt danh sách được hỗ trợ. Tuy nhiên, sau khi công bố danh sách này, nhiều người dân ở địa phương đã phản ứng. Huyện đã tiếp nhận 1.087 đơn kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến vấn đề trên.
Sau bão, nhiều bè nuôi trồng thủy sản của người dân Vạn Ninh phải nằm bờ vì không có vốn tái sản xuất.
Ngày 11/4, hàng trăm người dân ở các xã: Vạn Thạnh, Vạn Hưng, Vạn Lương... đã đến trụ sở UBND huyện yêu cầu chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, làm rõ danh sách hỗ trợ thiệt hại cho người nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn sau cơn bão số 12. Huyện đã tổ chức họp khẩn, đình chỉ các quyết định ban hành danh sách hỗ trợ thủy sản để làm sáng tỏ vấn đề. Đồng thời ban hành Quyết định 528 tạm dừng chi trả thiệt hại thủy sản do ảnh hưởng của bão và yêu cầu các địa phương rà soát kỹ lại việc thống kê, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo đúng tinh thần Nghị định 02 của Chính phủ để đảm bảo giải quyết hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, công bằng, đúng quy định của pháp luật.
Ông Trần Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, sau rà soát, toàn bộ các hộ nuôi trồng thủy sản ở Vạn Ninh không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. Qua thanh tra, huyện đã hủy danh sách và kinh phí hỗ trợ thiệt hại thủy sản đối với 175 trường hợp nói trên. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn trả lời đơn thư kiến nghị của công dân theo thẩm quyền. Đến nay, hầu hết các địa phương đã hoàn thành công tác trả lời đơn thư cho công dân. “Thực tế sau khi rà soát, nhận thấy toàn bộ số hộ không đủ điều kiện được nhận hỗ trợ, huyện đã có văn bản trình UBND tỉnh xin Trung ương cho cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân. Tỉnh cũng đã có văn bản gửi Trung ương nhưng sau đó Bộ Tài chính đã trả lời ngân sách chỉ đủ hỗ trợ đối với các trường hợp đủ điều kiện theo Nghị định 02”, ông Khiêm thông tin thêm.
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề hồi đáp của cơ quan chức năng đối với các hộ dân về việc không đủ điều kiện xét duyệt hỗ trợ thì những ngư dân này lại hoàn toàn không biết đến. Anh L, ngư dân vùng cho hay: "Nếu biết cụ thể thì chúng tôi cũng không cần kéo lên tận đây".
Theo ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh: “Xã có thông báo trên đài truyền thanh nhưng thông tin chưa đến được với bà con thì cũng có nhiều lý do. Theo quy định thì từ đầu năm có hiệu lực, khi triển khai thì theo thời gian cũng chậm đi nên thông tin đến dân bị trễ. Đó cũng là do lỗi chủ quan. Mọi hồ sơ từ cơ sở là ở dưới đó lập”.
Được biết, sau khi cơn bão số 12 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Khánh Hòa, tại Hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả sau bão lũ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 6/11/2017, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất với Trung ương xin hỗ trợ 250 tỉ đồng khắc phục sản xuất, 500 tỉ đồng hỗ trợ khắc phục hệ thống thủy lợi, 400 tỉ đồng khắc phục hạ tầng nhà ở