THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:13

Khẩn cấp tìm giải pháp để phục hồi hậu COVID -19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn

Tìm kiếm những giải pháp, hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn

Phát biểu mở đầu diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng dịch bệnh COVID -19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt về kinh tế - xã hội thế giới.

Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron nguy cơ làm tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 giảm từ 0,2 - 0,4 điểm %.

Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid -19 đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến cả cung và cầu.

Do vậy, nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19, hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, năng lực cạnh tranh toàn cầu về công nghiệp, chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục được cải thiện.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc

Song ông Tuấn Anh nhìn nhận, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn.

Đó là, mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp còn thiếu tính bền vững…

Theo bà Mary Hallward-Driemeier, Cố vấn kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB), Công nghiệp 4.0 đang tăng tốc nhưng được ứng dụng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và phân khúc của các chuổi giá trị toàn cầu.

Bà chỉ ra chuỗi cung ứng trên toàn cầu vốn đang thay đổi, nút thắt về thương mại, biến đổi khí hậu đặt ra thách thức lớn.

“Việt Nam nên tập trung các ngành sản xuất nhưng cũng chú trọng hơn đến các ngành dịch vụ, tiếp tục đầu tư trên phạm vi rộng hơn, như kỹ năng người lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia để nâng cao công nghệ mới, thích ứng hơn với cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển bao trùm, triển khai công nghệ số”, bà Mary Hallward-Driemeier khuyến nghị.

Empty

Khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động

Với chủ đề khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 do ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày đã chỉ ra tác động của dịch COVID-19 đến đời sống, sản xuất kinh doanh, lao động việc làm…

Do đó, trong năm 2021, nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sóng, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trogn năm là khoảng 138 nghìn tỉ đồng.

Tuy vậy, Thứ trưởng Phương cũng cho rằng, nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.

“Việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết”, ông Phương nói.

Mục tiêu của Chương trình này là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

5 nhóm nhiệm vụ được đưa ra gồm: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; An sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tương ứng với các nhóm nhiệm vụ, chương trình phục hội nêu rõ các giải pháp cụ thể. Trong đó, thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với du lịch, vận tải hàng không, các dịch vụ, thúc đẩy xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch; hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động…

Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ; tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý; tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại. Có chính sách ưu tiên như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ vận tải, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo…

Đồng thời, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa bàn động lực tăng trưởng. Nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, xử lý tình huống của cán bộ các cấp; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính….

Phiên toàn thể của Diễn đàn quy tụ sự tham gia của khoảng 200 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế (trong điều kiện bảo đảm thực hiện chặt chẽ các quy định phòng chống dịch Covid-19) cùng hơn 2.000 đại biểu dự trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, các điểm cầu trong nước và quốc tế kết nối trực tuyến qua internet - là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương; đại diện các đại sứ quán, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội trong nước và các tổ chức quốc tế…

Từ ngày mồng 9 – 18/11/2021, trong khuôn khổ Diễn đàn này đã diễn ra 10 hội thảo chuyên đề với trên 48 báo cáo tham luận được trình bày, 110 ý kiến phát biểu trách nhiệm, có giá trị của các đại biểu.

Tại Phiên toàn thể ngày hôm nay, có 5 báo cáo chính của chuyên gia trong nước và quốc tế xoay quanh chủ đề chính về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam và về đẩy mạnh CNH, HĐH dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tiếp đến là phần phát biểu của đồng chí Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và phát biểu chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Diễn đàn Công nghiệp 4.0 để phục vụ công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/20219 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời, phục vụ luận cứ cho xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10 năm 2022,

 

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh