CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:55

Khám phá những vườn Sâm tiền tỷ ở Nam Trà My

Vào rừng!

8 giờ sáng, đoàn chúng tôi xuất phát từ huyện lỵ Nam Trà My đi xã Trà Nam, 1 trong những địa điểm trồng sâm nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam. Phạm Nhung, là người bản địa, vừa là chủ của 1 vườn sâm ở xã Trà Linh đảm nhận việc “dẫn tour" trong suốt hành trình đi khám phá các vườn sâm ngày hôm ấy. Sinh ra và lớn lên ở Nam Trà My, Phạm Nhung được biết đến với nhiều vai trò, người trồng sâm, kinh doanh sâm và cô là gương mặt không thể thiếu trong các Lễ hội Sâm Ngọc Linh được tổ chức thường niên ở Nam Trà My vào những ngày đầu tháng.

Hành trình xuất phát vào vườn sâm ở huyện Trà Nam huyện Nam Trà My

Hành trình xuất phát vào vườn sâm ở huyện Trà Nam huyện Nam Trà My

Trước khi vào rừng, ngoài việc ăn bữa sáng “bao no”, Phạm Nhung còn cẩn thận pha một bình lá sâm Ngọc Linh để mọi người uống lấy sức. Cẩn thận hơn nữa, cô còn mang theo ít củ sâm Ngọc Linh tươi phòng khi có ai “ngút thở” thì tiếp tế. 20 ổ bánh mỳ, 5 hũ thịt hộp để dành cho bữa trưa và các thức uống cần thiết đã được Phạm Nhung đóng gói từ sáng sớm để phục vụ cho bữa trưa hôm ấy. “Em mang theo những thứ này để hờ phải nghỉ giữa đường, chứ các trại trồng sâm Ngọc Linh nào cũng đầy đủ cơm canh chiêu đãi các anh chị”. Phạm Nhung củng cố niềm tin về sự “nhẹ nhàng” trong việc khám phá các vườn sâm cho chúng tôi bằng 1 câu ngắn gọn; mỗi vườn cách nhau chừng 30 phút đi bộ thôi!. Tôi hỏi, 30 phút đi bộ thì tương ứng quãng đường dài bao nhiêu em. Nhung giải thích, tụi em chỉ áng chừng 30 phút đi bộ khoảng hơn 3 km gì đấy thôi.

Nghe vậy, cả đoàn cũng yên tâm. Riêng Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm-Giảng viên Trường Đại học Duy Tân-Đà Nẵng thì hồ hởi ra mặt, bữa nay chị Nhung dẫn tụi em đi thăm vài vườn sâm cho biết nhé. Cả đoàn đều hưởng ứng và chúng tôi lên đường.

Sau 1 giờ đồng hồ đi ô tô, chúng tôi đến cửa rừng ở xã Trà Nam. Anh Long, người đang có 2 ha rừng ở đây đón chúng tôi đi thực địa. Băng qua 1 con suối nhỏ mát lạnh, anh Long bắt đầu dẫn chúng tôi men theo những con đường mòn ngoằn ngèo 1 người đi. Sau 15 phút vừa đi bộ, vừa nghe giải thích về tầng thực bì ở đây, bước chân của chúng tôi cũng bắt đầu nặng dần, độ dốc ngày càng tăng, sau chừng 20 phút đi bộ thì “mặt người đi sau đã ngang gót chân người đi trước”, cả đoàn phải dừng lại uống nước. Rừng Nam Trà My lúc này được anh Long áng chừng cao hơn 1700 mét so với mặt biển, độ dốc khoảng 45 độ, không khí mát và trong lành, tuy nhiên đã có vài người thấm mệt và “ngút” vì độ cao của các con dốc. Phạm Nhung lại động viên, chỉ khoảng 15 phút nữa là đến vườn sâm của anh Dưỡng rồi, chúng ta sẽ nghỉ chân và ăn trưa tại đó rồi tham quan vườn sâm luôn.

Bắt đầu leo lên những con dốc cao

Bắt đầu leo lên những con dốc cao

Nói là 15 phút đi bộ cho quãng đường còn lại của Phạm Nhung thực ra chỉ dành cho những người dân bản địa ở đây. Chúng tôi phải mất 45 phút leo dốc mới tới vườn sâm của anh Đoàn Văn Dưỡng. Hóa ra, thời gian đi bộ của chúng tôi phải gấp 3 lần thời gian đi bộ của người bản địa. Ths, Phạm Thị Hồng Trang, Viện Sáng kiến Sức khỏe Toàn cầu, Đại Học Duy Tân (Đà Nẵng) tham gia cùng đoàn và cũng là vận động viên Marathon cự ly 21 km nói trong hơi thở gấp; thật là trải nghiệm nhớ đời khi leo dốc, càng về cuối chân em như đeo chì vậy, tim cứ đập thình thịch như muốn nhảy ra ngoài. Mệt nhưng đáng nhớ!.  

Xem Sâm!

Nghe chúng tôi lên, anh Dưỡng đã làm 1 con gà và cơm canh đón khách. Bữa trưa diễn ra khoảng 30 phút, vừa mệt, vừa đói cả đoàn ăn bữa trưa có lẽ ngon nhất giữa rừng. Lê Thị Thanh My, sinh viên năm 2 ngành Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Duy Tân chỉ biết thốt lên 1 câu, chưa bao giờ mệt và đói như hôm nay.

Nghỉ chân giữa rừng sâm Trà Nam

Nghỉ chân giữa rừng sâm Trà Nam

Sau bữa trưa, chúng tôi tranh thủ thăm vườn sâm 4 năm tuổi của anh Dưỡng để kịp xuống núi đi xã Trà Linh. Trên diện tích 40 mét vuông, hàng trăm cây sâm Ngọc Linh được trồng ngay hàng thẳng lối, có cây đã cho hoa và trái. Anh Dưỡng chia sẻ, hiện em đang đầu tư 1 ha rừng để trồng sâm. Nói là 1 ha nhưng thực ra chỉ trồng 1/3 diện tích ấy thôi, vì mỗi khoảnh trồng chi cần chưa 100 mét vuông. Mỗi vườn chỉ trồng 5-7 khoảnh như vậy thôi vì giá đầu tư khá lớn. 1 khoảnh 100 mét vuông nếu đầu tư bài bản với cây giống 3 năm tuổi trở lên đã có giá 1 tỷ đồng. Sau 5-7 năm, mỗi khoảnh như vậy có giá 2-2,5 tỷ đồng, tương đương gần 10 kg sâm tươi.

Nhóm nghiên cứu khoa học của Đại học Duy Tân-Đà Nẵng tại vườn sâm của anh Đoàn Văn Dưỡng

Nhóm nghiên cứu khoa học của Đại học Duy Tân-Đà Nẵng tại vườn sâm của anh Đoàn Văn Dưỡng

Theo khảo sát, mỗi ký lô gam lá sâm tươi hiện đã có giá 10 triệu đồng, 1 kg hoa sâm có giá 20 triệu đồng. 1kg sâm Ngọc Linh loại 1 có giá 200 triệu đồng. “Giá sâm Ngọc Linh luôn giao động vì độ khan hiếm cũng như già của nó, cây bán được giá phải từ 7 năm tuổi trở lên. Củ càng đẹp, càng nhiều đốt (mỗi đốt tương đương 1 năm) sẽ được nhiều thương lái săn đón. Tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ V diễn ra vào đầu tháng 9/2023 đã xuất hiện 2 củ sâm được cho là khá đẹp, mỗi củ trên 1 lạng và giá của nó thì cũng phải 50-70 triệu đồng 1 củ. Riêng em Phạm Nhung đã từng bán củ sâm nặng 5 lạng với giá 300 triệu đồng”, anh Đoàn Văn Dưỡng chia sẻ.

Củ sâm có giá 30 triệu được bán tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam.

Củ sâm có giá 30 triệu được bán tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh tỉnh Quảng Nam.

2 giờ chiều, đoàn chúng tôi tập kết tại cửa rừng Trà Nam để đi xã Trà Linh, nơi có khu rừng bảo tồn Sâm Ngọc Linh rộng 380 ha của tỉnh Quảng Nam. Như lường trước được độ khó của quãng đường vào rừng buổi chiều, Phạm Nhung đã phát cho mỗi người 1 củ sâm nhỏ bằng đầu ngón tay cái và 1 lon bò húc để tăng độ dẻo dai. Xe chạy 1 tiếng rưỡi thì đến cửa rừng Trà Linh. Lúc này trời đã đổ về chiều, mưa bay lác đác, mây giăng trước mặt, 1 vài thành viên trong đoàn đã có biểu hiện “xuống phong độ”, trong đó có cả tôi. Ai đó trong đoàn thốt lên 1 câu, giờ có ai cõng lên vườn sâm chị Nhung thì hay biết mấy!. Phạm Nhung cười lớn và nói; có ngay, giá nhân công cõng hàng 1 kg lên tới trại của em trên quãng đường đi 30 phút (hơn 3km) có giá 10 ngàn đồng. Như vậy anh nhà báo nặng 80 kg thì phải trả 1,6 triệu đồng. Tôi há miệng, sao đắt vậy. Nhung giải thích, anh thì phải 2 người kiêng mới nổi, nhân đôi là đúng rồi.

Quả thật, trải nghiệm buổi chiều hôm ấy ở rừng Trà Linh rất khó tả. Dù biết trước sẽ phải qua nhưng con dốc hẹp và nguy hiểm, nhưng phải hơn 1 tiếng đồng đánh vật với chính mình(vì quá mệt), chúng tôi mới đến được vườn ươm giống sâm Ngọc Linh khá nổi tiếng của anh Bùi Thanh Truyền, chàng trai quê Núi Thành đã lên Trà Linh được 10 năm nay. Trước khi vào vườn, anh Trần Văn Pháp, đại diện 1 doanh nghiệp đến từ TPHCM đã trải nghiệm hơn 3 lần leo dốc để vào đây cho biết tháng trước 1 đồng nghiệp của anh đã bị trượt chân té xuống vực sâu 3 mét. May mà có mấy bụi cây ngăn lại nên chỉ sây xát nhé chứ không thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Phạm Nhung bên củ sâm Ngọc Linh nặng 0,5 kg có giá 300 triệu đồng

Phạm Nhung bên củ sâm Ngọc Linh nặng 0,5 kg có giá 300 triệu đồng

Hành trình cuối của chúng tôi là đến vườn sâm của Phạm Nhung. Có lẽ vì cảm kích tấm lòng nhiệt tình của “cô hướng dẫn viên” và 1 phần vì lời giới thiệu rằng; vườn sâm của Phạm Nhung đã từng có củ sâm nặng hơn nửa ký với giá bán 300 triệu đồng nên chúng tôi phải “mục sở thị” cho bằng được. Và khi đến vườn sâm của Phạm Nhung rồi chúng tôi mới hiểu rằng vì sao người ta phải trồng sâm Ngọc Linh ở những vị trí cao chót vót, địa hình hiểm trở và mùa đông nhiệt độ chỉ còn 7-8 độ là vậy.  

6 giờ tối, đoàn chúng tôi di chuyển về lại huyện lị Nam Trà My, kết thúc 1 ngày khám phá các vườn sâm. Trên đường về, thấp thoáng những ánh điện trắng xóa trên các ngọn núi cao, Phạm Nhung bảo đấy là các trại trồng sâm trên dãy núi Ngọc Linh trải dài sang đến tận tỉnh Kom Tum.

Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm bên cây sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi.

Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm bên cây sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi.

Được biết, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho phép Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu cung ứng trước cho huyện Nam Trà My với số lượng 73.000 cây giống 1 năm tuổi để hỗ trợ cho nhân dân kịp thời vào vụ. Hy vọng, trong những năm tới, cây sâm Ngọc Linh sẽ ngày càng phát triển, tạo ra những đột phá lớn về kinh tế, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo của huyện miền núi này.

  

ĐÔNG HẢI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh