CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:09

Khai mạc phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp thứ 33 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 15 nội dung. Trong đó có 9 dự án luật gồm: Luật cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật Thư viện; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ và nghe Chính phủ báo cáo một số vấn đề về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Nhóm nội dung thứ hai gồm cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội; cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020 và việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Nhóm vấn đề thứ ba là cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018” và Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018.

Nhóm vấn đề thứ tư là xem xét quyết định xem xét, quyết định danh mục dự án sử dụng dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 nguồn ngân sách trung ương; việc bổ sung danh mục mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính 5 xã và giải thể 1 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; thành lập 5 phường thuộc thị xã Long Khánh và thành lập thành phố Long Khánh thuộc tỉnh Đồng Nai.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc phiên họp thứ 33


Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, khối lượng công việc của phiên họp là khá lớn trong khi thời gian làm việc chỉ có 6 ngày. Một số nội dung được chuyển từ tháng 3 sang tháng 4 và bổ sung một số nội dung cần thiết theo đề nghị của các cơ quan hữu quan nên đây là phiên họp cuối để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến các dự án trình tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong chuyến công tác nước ngoài vừa qua, làm việc với Nghị viên Châu Âu cũng như trong buổi tiếp Thủ tướng Hà Lan, Quốc hội Việt Nam thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết sửa các Luật bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế theo các Hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, ngay sau phiên họp sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo nhanh chóng chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ, trong đó có chú ý đến nội dung các công ước của ILO, thể hiện thái độ, quan điểm của Việt Nam, thể hiện tính nhân văn xu hướng tiến bộ trong các công ước ILO.

Về công tác chuẩn bị nội dung của phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác chuẩn bị cho phiên họp có tiến bộ, tài liệu cơ bản bảo đảm, một số nội dung mới được bổ sung như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ nhưng các cơ quan đã tích cực, chủ động phối hợp để trình nội dung này ngay đầu phiên họp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung chậm gửi tài liệu nhất là tài liệu của các Ủy ban của Quốc hội chuẩn bị. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu thấu đáo và cách thức thảo luận hiệu quả, xem xét toàn diện các dự án và tập trung vào những nội dung còn ý kiến khác nhau để bảo đảm các nội dung trình Quốc hội đủ điều kiện và thực sự chất lượng.

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh