Khắc phục tình trạng “trên quyết liệt, dưới sợ sai”
- Tây Y
- 18:58 - 28/10/2022
Bên cạnh ghi nhận các điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) nhấn mạnh, tiến độ giải ngân chi đầu tư công trình trọng điểm, chậm giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội cho thấy rõ đây là điểm nghẽn mới trong tăng tưởng khi kích cầu đầu tư chưa phát huy kết quả như mong muốn.
Ngoài lý do thủ tục, phân bổ vốn chậm, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ thì theo bà Yên, yếu tố chủ quan con người, bộ máy là khâu quyết định.
“Tôi không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ rằng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Từ chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội thể chế hoá, luật hoá; Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt nhưng cấp cơ sở có tâm lý e ngại, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm. Như vậy thì làm sao có thể thúc đẩy xã hội phát triển” – bà Tạ Thị Yên nói.
Nữ đại biểu đoàn Điện Biên cũng băn khoăn, trong khi Quốc hội làm ngày làm đêm để các chủ trương, chính sách mới đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vậy mà kết quả đạt đươc còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công. Thủ tướng nhiều lần phê bình hiện tượng này và từng nói thẳng “Ai không làm thì đứng sang một bên”.
“Nếu làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì có gì phải ngại vì đứng đằng sau chúng ta là cả một tập thể lãnh đạo, có cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tôi mong rằng Chính phủ siết chặt hơn nữa kỷ luật hành chính, kỷ cương công vụ, đánh giá cán bộ theo kết quả công việc cụ thể” – đại biểu Yên nói và cho rằng, nếu cán bộ không đáp ứng nhiệm vụ, thực hiện không hiệu quả thì cần xem xét lại bố trí cán bộ, thuyên chuyển, bố trí công việc khác phù hợp hơn với năng lực sở trường.
Liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, “chưa bao giờ cán bộ, công chức bị phát hiện vi phạm quy định nhiều như lúc này. Chưa bao giờ có nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo từ thấp lên cao, đến rất cao, bị xử lý kỷ luật như bây giờ. Mặc dù qua đó, chúng ta rất tin tưởng sự quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, tuy nhiên nhìn những gương mặt bị kỷ luật, những con số bị xử lý, chúng ta không khỏi buồn, đau, lo lắng.”
Đại biểu đề nghị để hạn chế các sai sót của cán bộ, ngoài việc đào tạo, lựa chọn, tiếp tục đẩy mạnh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, cần chú ý hơn việc tự rèn luyện, tự tu dưỡng, đào tạo của cán bộ.
Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng và tính thực chất của việc giám sát từ nhân dân. Không gì qua được mắt nhân dân, bởi vậy nhân dân cần phải vào cuộc phát hiện, điều chỉnh từ sớm, ở mọi lúc, mọi nơi, thì các sai sót của cán bộ mới giảm bớt.
Ngoài ra, khi xem xét kỷ luật cán bộ, cần xem xét thật có lý, có tình; nhất là khi giải quyết những vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ như chống dịch COVID-19 vừa qua, “nghiêm khắc nhưng phải thật có lý, có tình.”