CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:25

Khắc phục tình trạng lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

 

Cho phá sản những doanh nghiệp nhà nước không có khả năng trả nợ
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) nêu rõ: Qua 7 năm triển khai, Luật Quản lý nợ công 2009 đã tạo hành lang pháp lý phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thị trường vốn trong nước.Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình quản lý nợ công theo quy định của Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013; thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan.

Dự án Luật có 10 chương, 67 điều, trong đó quy định phạm vi nợ công theo hướng giữ như quy định hiện hành, theo đó nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. 

Dự án Luật bổ sung nguyên tắc ''kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí nợ công trong giới hạn cho phép, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô," bổ sung yêu cầu gắn trách nhiệm giải trình của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đến hoạt động vay, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra Dự án luật quản lý nợ công (sửa đổi)


Về quản lý rủi ro đối với nợ công, dự án Luật quy định các điều khoản cụ thể về quản lý rủi ro tín dụng cho vay lại, quản lý rủi ro bảo lãnh Chính phủ và quy định các nội dung cụ thể hướng dẫn quản lý, xử lý rủi ro đối với nợ công, từ việc nhận diện rủi ro, phân loại rủi ro, các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi xảy ra các sự kiện ảnh hưởng đến nợ công.

Trong Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực tế đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay.

Ông Đinh Tiến Dũng đề xuất làm rõ về phạm vi, công cụ quản lý nợ công; phân định giữa quản lý ngân sách, đầu tư công và quản lý nợ công; công tác giám sát và đảm bảo an toàn nợ công; quản lý rủi ro; thống kê, kế toán, kiểm tra, giám sát nợ công, nâng cao và gắn trách nhiệm giải trình với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công của các cơ quan có liên quan.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo luật, theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước  phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nếu quy định nợ của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ doanh nghiệp nhà nước không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác. Trường hợp đơn vị sự nghiệp vay nợ không trả được nợ thì cơ chế xử lý cũng được áp dụng như đối với các doanh nghiệp.

Luật ngoại thương cần khắc phục tình trạng lợi ích nhóm, cơ chế xin- cho 
Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý ngoại thương, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, bởi đây sẽ là công cụ hữu hiệu của Nhà nước để quản lý ngoại thương. 

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh dự án Luật theo hướng những nội dung nào có thể quy định được ngay cần thể hiện cụ thể trong Luật để bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, khắc phục các bất cập do "lợi ích nhóm'' và hạn chế cơ chế "xin-cho".

Đối với hoạt động cấp giấy phép, dự án Luật cần quy định rõ các tiêu chí, danh mục, số lượng hàng hóa được cấp giấy phép theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. 

 

Đại biểu Phạm Văn Tuân nhấn mạnh, Luật ngoại thương phải đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch


Để phát triển hoạt động ngoại thương, các đại biểu nêu rõ cần quy định cụ thể chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển ngoại thương; phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để thúc đẩy xúc tiến thương mại.  Đăc biệt, cần nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); tính toán có điều khoản quy định về xúc tiến thương mại quốc gia do Nhà nước thành lập. Đây sẽ là địa chỉ kết nối các doanh nghiệp và thông tin xúc tiến thương mại trong nước, thế giới. 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh