THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:24

Kêu gọi cùng hành động để cải thiện sức khỏe trẻ em và trẻ vị thành niên

Báo cáo "Tương lai nào cho trẻ em thế giới?" chỉ ra rằng, sức khỏe và tương lại của mọi trẻ em và vị thành niên trên thế giới đang bị đe doạ bởi suy thoái hệ sinh thái, biến đổi khí hậu, và những hoạt động quảng cáo tiếp thị thực phẩm ăn nhanh chế biến sẵn, đồ uống có đường, có cồn và thuốc lá nhằm vào trẻ em.

Kêu gọi cùng hành động để cải thiện sức khỏe trẻ em và vị thành niên - Ảnh 1.

Trẻ em cần có môi trường sống an toàn, lành mạnh để phát triển toàn diện.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF nhận định: "Từ biến đổi khí hậu đến béo phì và quảng cáo tiếp thị độc hại, trẻ em trên thế giới phải đối mặt với những đe dọa không thể tưởng tượng được so với những thế hệ trước. Đây là lúc chúng ta cần tư duy lại về sức khỏe trẻ em, đặt trẻ em là ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự phát triển của chính phủ cũng như đặt sức khỏe và hạnh phúc của trẻ em cao hơn tất cả những mối quan tâm khác".

Báo cáo cũng đưa ra bảng xếp hạng toàn cầu 180 quốc gia, so sánh những chỉ số về phát triển của trẻ em, bao gồm những chỉ số về sự sống còn và sức khỏe của trẻ em trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, và dinh dưỡng với những chỉ số về sự bền vững, bao gồm những chỉ số về phát thải khí nhà kính, sự bình đẳng hoặc khoảng cách thu nhập.

Theo báo cáo, các quốc gia nghèo nhất cần phải hành động nhiều hơn để giúp trẻ em sống mạnh khỏe hơn, còn ở các quốc gia giàu, lượng phát thải khí carbon quá mức đang đe dọa tương lai của tất cả trẻ em. Nếu nhiệt độ nóng lên của trái đất vượt 4°C vào năm 2100 sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em, do nước biển dâng, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, sự lây lan của bệnh dịch như sốt rét và sốt xuất huyết, và suy dinh dưỡng.

Bảng xếp hạng cho thấy trẻ em ở Na Uy, Hàn Quốc, và Hà Lan có cơ hội tốt nhất để được sống và mạnh khỏe, trong khi đó trẻ em ở Cộng hòa Trung Phi, Chad, Somalia, Niger và Mali phải đối mặt với những điều kiện khó khăn nhất. Tuy nhiên, khi các chuyên gia tính toán đến lượng phát thải khí CO2 trên đầu người, những quốc gia hàng đầu nói trên lại tụt xuống phía dưới bảng xếp hạng: Na Uy đứng thứ 156, Hàn Quốc đứng thứ 166, Hà Lan đứng thứ 160. Lượng phát thải khí CO2 trên đầu người của mỗi quốc gia này cao hơn 210% so với mục tiêu đề ra tới năm 2030. Hoa Kỳ, Úc, và Ả rập - Xê út nằm trong nhóm 10 quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất.

Một vài quốc gia đang đi đúng tiến độ trong nỗ lực giảm phát thải khí CO2 trên đầu người đến năm 2030 mà vẫn đạt được những kết quả tương đối tốt trong chăm sóc sự phát triển trẻ em (trong danh sách 70 quốc gia tốt nhất) là: Albania, Armenia, Grenada, Jordan, Moldova, Sri Lanka, Tunisia, Việt Nam và Uruguay.

"Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong cả hai lĩnh vực: Phát triển của trẻ em và đảm bảo tương lai bền vững cho trẻ em. Mặc dù lượng phát thải carbon của Việt Nam hiện đang ở mức thấp hơn mục tiêu năm 2030 nhưng cũng có chiều hướng tăng lên. Nhiều trẻ em Việt Nam đã và đang phải chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là những em hiện đang sống ở vùng bị ô nhiễm không khí và hạn mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các tiến bộ có thể đạt được nhanh chóng bằng cách đảm bảo rằng các ngành chủ chốt như y tế và giáo dục, phát triển nông thôn, năng lượng, giao thông, môi trường và kế hoạch, cùng nhau hợp tác để cải thiện sức khỏe và phúc lợi của trẻ. Chúng ta không thể chủ quan được", bà Lesley Miller, phó đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu.

Báo cáo cũng nhấn mạnh những nguy cơ trẻ em phải đối mặt từ các hoạt động quảng cáo tiếp thị độc hại. Minh chứng cho thấy trẻ em ở một số quốc gia xem tới 30.000 quảng cáo trên tivi trong một năm, và thanh thiếu niên xem quảng cáo về thuốc lá điện tử tăng hơn 250% ở Hoa Kỳ trong vòng hai năm, khoảng hơn 24 triệu thanh thiếu niên.

Khi trẻ em tiếp xúc với quảng cáo tiếp thị thức ăn nhanh và đồ uống ngọt thì các em sẽ mua những thực phẩm không lành mạnh cho sức khỏe và bị thừa cân, béo phì, các hoạt động tiếp thị quảng cáo lợi dụng người tiêu dùng khiến cho số trẻ em bị béo phì tăng lên một cách đáng báo động. Số trẻ em và vị thành niên béo phì tăng từ 11 triệu (năm 1975) lên 124 triệu (năm 2016) – tăng 11 lần, rất tốn kém chi phí đối với cá nhân và xã hội.

Để bảo vệ trẻ em, các chuyên gia độc lập của Hội đồng kêu gọi cả thế giới ủng hộ một phong trào do trẻ em làm chủ và vì trẻ em. Một số khuyến nghị cụ thể như sau: Vần khẩn trương chấm dứt phát thải khí CO2 để đảm bảo một tương lai cho trẻ em trên hành tinh này; Đặt trẻ em và vị thành niên là trọng tâm đạt được phát triển bền vững; Các chính sách và đầu tư mới ở tất cả các ngành dành cho sức khỏe và quyền trẻ em; Phản ánh tiếng nói của trẻ em trong quá trình hoạch định chính sách; Thắt chặt quy định của quốc gia đối với các hoạt động quảng cáo tiếp thị thương mại độc hại, được hỗ trợ bởi Nghị định thư Không bắt buộc mới của Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh