THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:46

Kết quả cuộc gặp song phương giữa Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng GD&ĐT Úc Karen Andrews

 Hai Bộ trưởng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Hai Bộ trưởng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong những năm gần đây trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với những kết quả cụ thể: Úc đã chuyền giao cho Việt Nam 12 bộ giáo trình của 12 nghề và đang được giảng dạy thí điểm tại 25 trường dạy nghề lớn của Việt Nam; hàng trăm giáo viên các trường dạy nghề của Việt Nam đã được sang Úc đào tạo nâng cao năng lực theo những khóa đào tạo ngắn hạn; một số trường nghề của Úc đã hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề của Việt Nâm để mở thì điểm những chương trình hợp tác đào tạo tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hai Bộ trưởng đều thống nhất rằng sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước và nhu cầu của Việt Nam. Bởi vậy, hai Bộ trưởng cho rằng trong những năm tới, sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cần được nâng lên tầm cao mới, với những hình thức hợp tác đa dạng và ở cả cấp giữa các cơ quan nhà nước cũng như giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của hai nước.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị hai Bộ trưởng giao cho các đơn vị có liên quan của hai Bộ có kế hoạch để sớm triển khai Bản ghi nhớ (MOU) vừa được hai Bộ trưởng ký ngày 16/3/2018  tại Canberra với sự chứng kiến của hai Thủ tướng với 4 nội dung chính gồm: hợp tác trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường năng lực cho nhân lực làm về công tác giáo dục nghề nghiệp gồm giáo viên, hướng dẫn viên, kiểm định viên và cán bộ quản lý; tăng cường sự hợp tác giữa các trường nghề của hai nước; tiếp tục tiến hành trao đổi các đoàn đi tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm.

 Về đổi mới vai trò quản lý của nhà nước trong công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và đề nghị Úc chia sẻ kinh nghiệm trong việc gắn các nhu cầu của các ngành kinh tế, của các doanh nghiệp với nội dung giảng dạy, gắn việc giảng dạy lý thuyết trên lớp với thực hành ngay tại doanh nghiệp; xây dựng chính sách đào tạo nghề cập nhật để liên tục bổ sung, cập nhật kiến thức về thực hành nghề cho người lao động, kể cả đối với những sinh viên đã tốt nghiệp đại học. Theo Bộ trưởng Andrews thì thực tiễn ở Úc cho thấy có một tỷ lệ khá lớn những sinh viên tốt nghiệp đại học đã theo học thêm các khóa về dạy nghề để có thêm kỹ năng thực hành nghề và bởi vậy làm tăng khả năng tìm kiếm việc làm thích hợp cho những lao động này. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đánh giá cao kinh nghiệm của Úc về vai trò và hoạt động của các hội đồng tham vấn ngành về giáo dục nghề nghiệp – một thiết chế đảm bảo sự gắn kết giữa nội dung đào tạo và nhu cầu thực của thị trường.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đánh giá cao kinh nghiệm của Úc trong trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu và đưa ra được những dự báo về nhu cầu của thị trường để xây dựng những định hướng 10 năm cho giáo dục nghề nghiệp và đề nghị Úc hỗ trợ Việt Nam trong việc này. Bộ trưởng Andrews cho biết việc đưa ra những dự báo về xu hướng phát triển của các nghề là vô cùng quan trọng, là cơ sở để xây dựng kế hoạch về dạy nghề sao cho sát với nhu cầu của thị trường. Ví dụ, Chính phủ Úc dự báo trong 10 năm tới, có 3 ngành sẽ cần tới nhiều nhân lực là: du lịch – khách sạn, nhà hàng; chăm sóc sức khỏe, nhất là những hộ lý chăm sóc sức khỏe cho người già và người tàn tật trong bối cảnh già hóa dân số; nhân lực cho các công việc sử dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ Úc hỗ trợ để các văn bằng chứng chỉ được cấp tại Việt Nam cho những học viên theo học các khóa đào tạo nghề hợp tác giữa các trường nghề của Úc và Việt Nam sẽ được công nhận ở Úc và đề nghị Úc có chính sách tạo điều kiện cho những sinh viên này được thực tập nghề tại Úc.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng bức tranh Khuê Văn Các cho Bộ trưởng Karen Andrews

Bộ trưởng Andrews nhất trí sẽ tạo điểu kiện và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề của hai nước. Hai Bộ trưởng thống nhất hai Bộ sẽ chọn và giới thiệu một số trường nghề có chất lượng cao, đang giảng dạy những nghề mà hai bên quan tâm để đi đầu trong việc tiến hành hợp tác đào tạo.

Hai Bộ trưởng thống nhất là bản MOU mà hai Bộ trưởng vừa ký là một cơ sở quan trọng cho việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để sự hợp tác này phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, góp phần thúc đẩy sự hợp tác về kinh tế và đầu tư giữa hai nước theo đúng tinh thần của mối quan hệ đối tác chiến lược vừa được Thủ tướng của hai nước ký Tuyên bố.

Cuối cùng, hai Bộ trưởng một lần nữa khẳng định sẽ sớm giao nhiệm vụ cho các bộ phận kỹ thuật của hai Bộ sớm tiến hành các bước cụ thể để triển khai có hiệu quả nội dung của MOU về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh