Kéo dài thời hạn đăng kiểm taxi, bỏ “chặn” đăng kiểm ô tô
- Tây Y
- 15:09 - 07/07/2020
Trung tâm đăng kiểm không còn “chặn” tiếp nhận đăng kiểm đối với xe ô tô theo đề nghị của các cơ quan quản lý nhà nước…
Kéo dài chu kỳ đầu, định kỳ
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 70/2015 về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Điểm mới đáng chú ý là dự thảo quy định kéo dài thời hạn đăng kiểm thêm 6 tháng đối với xe ô tô chở người đến 9 chỗ kinh doanh vận tải (xe taxi, xe hợp đồng...).
Liên quan đến xe chở container, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, để tạo thuận lợi cho chủ phương tiện cũng như đơn vị đăng kiểm trong việc đăng kiểm xe, dự thảo cũng đơn giản hóa việc kiểm định sơmi rơ-moóc khung xương chở container bằng cách không bắt buộc phải hạ container xuống. Lý do, đăng kiểm viên vẫn kiểm định được khung xương sơmi rơ-moóc từ dưới gầm xe, còn chủ xe không mất chi phí để hạ, nâng container khi vào đăng kiểm.
Cụ thể, khi đăng kiểm lần đầu để được cấp biển số lưu thông, hiệu lực của giấy chứng nhận, tem đăng kiểm là 24 tháng (hiện nay 18 tháng). Trong vòng 30 ngày sau khi được cấp chứng nhận kiểm định lần đầu, nếu xe ô tô tiếp tục thực hiện kiểm định vẫn được tính là kỳ đăng kiểm đầu tiên. Lần đăng kiểm tiếp theo, thời hạn đăng kiểm là 12 tháng/lần đối với xe có năm sản xuất đến 7 năm (hiện quy định là 6 tháng/lần). Sau thời hạn trên, thời hạn đăng kiểm mới giữ ở mức 6 tháng/lần như hiện nay.
Ông Trịnh Bình Dương, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết, chu kỳ kiểm định trên đã từng được áp dụng từ năm 2013 - 2015. Việc đề xuất áp dụng trở lại theo quy định trước đây để phù hợp với tình hình thực tế quản lý và hoạt động của phương tiện. “Hiện chủ xe cơ giới đã quan tâm hơn đến việc bảo dưỡng, sửa chữa xe giữa hai kỳ kiểm định nên chất lượng phương tiện tăng lên. Thống kê cho thấy, năm 2019, tỷ lệ xe chở người đến 9 chỗ ngồi kinh doanh vận tải đến 5 năm kiểm định lần 1 không đạt là 6,3%, năm 2020 giảm xuống 5,9%. Mặt khác, tần suất hoạt động của loại xe này cũng giảm đi do xuất hiện nhiều xe hoạt động theo hình thức taxi công nghệ, trong khi trước đây chỉ có loại xe taxi truyền thống”, ông Dương cho biết.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ ủng hộ đề xuất thay kéo dài chu kỳ đăng kiểm trên. “Việc này phù hợp với tình hình thực tế, các doanh nghiệp cũng nhiều lần kiến nghị kéo dài chu kỳ đăng kiểm lần đầu, góp phần thiết thực giúp doanh nghiệp vận tải, lái xe giảm thời gian, chi phí đăng kiểm”, ông Quyền nói.
Đón nhận thông tin về kéo dài thời hạn đăng kiểm, anh Nguyễn Đức Dũng, một tài xế thương hiệu Trôi Phùng (Hà Nội) bày tỏ vui mừng: “Chu kỳ đăng kiểm 6 tháng/lần tưởng dài, nhưng quanh quẩn lại đến hạn, lại phải đưa xe đi đăng kiểm, tốn kém thời gian, chi phí. Giờ nhiều xe mới, chất lượng tốt hơn hẳn mấy năm trước nên việc kéo dài thời hạn tạo thuận lợi cho lái xe”.
Dù đồng thuận với quy định tại dự thảo thông tư mới, tuy nhiên một số lãnh đạo trung tâm đăng kiểm lại cho rằng, hiện giá, lệ phí đăng kiểm là hơn 300.000 đồng/lượt, nên việc kéo dài thời hạn không giảm nhiều chi phí cho chủ xe. Hơn nữa, đến nay chưa có nghiên cứu xe ô tô đi bao nhiêu km cần kiểm định, trong khi xe kinh doanh vận tải có tần suất hoạt động cao hơn xe cá nhân, vì vậy cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định kéo dài chu kỳ hiện tại để đảm bảo an toàn.
Bỏ “chặn” đăng kiểm xe, chuẩn hóa thủ tục xe thế chấp
Một trong những quy định mới đáng chú ý khác của dự thảo thông tư này là việc chuẩn hóa thủ tục thế chấp phương tiện.
Ông Lại Thái Phong, Phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-03V cho biết, thời gian qua, việc giải quyết thủ tục đăng kiểm đối với xe ô tô liên quan đến thế chấp ngân hàng, xe có nguồn gốc đấu giá, thanh lý... phát sinh một số tình huống gây lúng túng cho đơn vị đăng kiểm trong việc yêu cầu giấy tờ cần thiết để chứng minh nguồn gốc xe. Vì vậy, thông tư mới bổ sung hướng dẫn thủ tục để các đơn vị tránh lúng túng trong việc thực hiện thủ tục xác minh nguồn gốc xe, tạo thuận lợi cho khách hàng và không để lọt xe làm giả giấy tờ. Bên cạnh đó, quy định rõ ràng việc không tiếp nhận đăng kiểm xe, “chặn” đăng kiểm theo yêu cầu của các ngành, cơ quan chức năng để tránh khách hàng gây bức xúc với trung tâm đăng kiểm.
Cụ thể hơn, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, hiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy định như: Khi đăng kiểm xe thế chấp ngân hàng phải xuất trình bản sao giấy đăng ký xe, phải có chứng thực kèm bản gốc giấy biên nhận thế chấp của tổ chức tín dụng; xe thanh lý của lực lượng quốc phòng phải có bản sao chứng thực văn bản thanh lý xe của Bộ Tổng tham mưu; quyết định bán tài sản tại cảng biển của Hội đồng xử lý hàng tồn đọng do lãnh đạo Sở Tài chính là Chủ tịch hội đồng...
“Thời gian qua, theo quy định tại Thông tư 70/2015, nhiều trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước gửi văn bản đề nghị “chặn”, từ chối tiếp nhận đăng kiểm xe ô tô. Tuy nhiên, một số bộ ngành, cơ quan có ý kiến không đồng tình về việc chặn kiểm định. Do đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư lần này bỏ quy định “chặn”, từ chối tiếp nhận kiểm định xe; thay vào đó, chỉ đưa vào cảnh báo đăng kiểm đối với các trường hợp xe vi phạm Luật GTĐB theo quy định tại Nghị định 100/2019, xe bị cảnh báo theo đề nghị của tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát. Các trường hợp trên được tiếp nhận đăng kiểm, nếu đạt yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp giấy, tem kiểm định thời hạn 15 ngày”, đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết.