Kéo dài thời gian thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại TP Hà Nội
- Y học 360
- 09:05 - 27/07/2023
Cụ thể, Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội cho đến khi có quyết định chính thức của cơ quan có thẩm quyền về mô hình tổ chức quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội và các bộ ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là tổ chức hành chính trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội, có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị.
Đội được trang bị phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật, chịu sự chỉ đạo, quản lý của UBND cấp huyện và sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng.
Nhiệm vụ của đội quản lý trật tự xây dựng đô thị là xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của UBND TP Hà Nội.
Đội này có quyền đề xuất Chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.
Qua 5 năm thí điểm, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị được đánh giá là một mô hình hiệu quả. Bởi sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các công trình xây dựng được kiểm soát, các vi phạm được phát hiện kịp thời. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận dần được hạn chế. Các công trình vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng đô thị từng bước được nâng cao. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng dần được giảm thiểu về số lượng và quy mô vi phạm.
Cụ thể, so với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn thành phố tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 trường hợp còn 2.811 trường hợp). Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%).
Ưu điểm của mô hình thí điểm là tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Chức năng, nhiệm vụ của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã được quy định cụ thể, bảo đảm nguyên tắc 5 rõ "Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả". Tình trạng chồng chéo chức năng hoặc né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng dần được hạn chế...