CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:15

“Kề vai sát cánh” tạo bứt phá mới trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Lễ Ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Hội Nông dân VN 2019 - 2023

 

Các chủ đề hoạt động có trọng tâm, trọng điểm

Chiều ngày 24/1/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023. Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung và Chủ tịch BCH Trung ương Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng chủ trì lễ ký kết.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Thào Xuân Sùng cho biết, những năm qua hệ thống chính sách với nông dân, người nghèo, dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu vùng xa nơi biên giới hải đảo của Tổ quốc đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện. “Công tác tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, ATVSLĐ, cải thiện quan hệ lao động cũng được thực hiện tốt”, ông Sùng thông tin.

Bên cạnh đó, phong trào cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau giai đoạn 2016- 2020 rất thiết thực hiệu quả. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 5,35%... “Tuy nhiên để chính sách đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức giúp nông dân hiểu biết, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước là hết sức quan trọng”, ông Sùng khẳng định.

Theo đó, Chủ tịch BCH Trung ương Hội nông dân nhấn mạnh, việc thực hiện chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2011- 2017 vừa qua được hai ngành phối hợp tích cực trong việc đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội ở nông thôn. Các chủ đề hoạt động được 2 bên chọn có trọng tâm, trọng điểm hàng năm, từng giai đoạn đã đáp ứng tâm tư nguyện vọng, nhu cầu lao động sản xuất của bà con nông dân.

Khẳng định việc ký kết chương trình phối hợp là rất cần thiết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ công tác giữa Bộ LĐ-TBXH và Hội Nông dân Việt Nam. “Hội đã kề vai sát cánh cùng chúng tôi tạo ra những bứt phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn”, Bộ trưởng đánh giá.

Về chuyển dịch lao động khu vực nông nghiệp cũng có bước tăng trưởng rõ rệt, ba năm qua, tỷ lệ lao động phi chính thức từ 43% xuống còn 38,3%. “Đây là một thành công rất lớn của chúng ta”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, và nhấn mạnh đi liền với nó là chuyển dịch ly nông không ly hương. Hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đã đạt được những thành công lớn. Gắn với đó là tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên, nhất là đào tạo khu vực nông thôn.

 

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: đây là sự kiện quan trọng đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ công tác giữa Bộ LĐ-TBXH và Hội Nông dân Việt Nam


Với những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua từ sự phối hợp tích cực giữa hai bên, Bộ trưởng khẳng định Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2018 - 2023 sẽ góp phần quan trọng trong phối hợp đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. “Mong rằng chương trình chúng ta là chương trình mẫu mực trong 5 năm tới”, Bộ trưởng nói.

11 nội dung phối hợp và 3 “mong muốn” của Bộ trưởng

Bộ trưởng cho biết, hai bên tập trung xây dựng thể chế chính sách, Bộ sẽ tham mưu nhiều thể chế chính sách mới. Tới đây Bộ sẽ tham mưu một số chủ trương mới- ngoài hai đề án lớn về Cải cách tiền lương và Cải cách BHXH- sẽ bổ sung một số Luật, liên quan rất nhiều đến đời sống nông dân.

Trên cơ sở đó, ngoài 11 nội dung phối hợp giai đoạn 2019- 2023, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thêm 3 “mong muốn” sẽ được phối hợp thực hiện thời gian tới.

Thứ nhất, tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn, trong đó giảm càng nhanh càng tốt tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp. Giảm bằng cách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Chuyển đổi ngành nghề nhưng không chuyển đổi khu vực. Hạnh phúc nhất của người nông nghiệp là sáng ăn cơm nhà, đi làm công nhân, trưa về chính nhà mình nghỉ ngơi. Do vậy, chuyển dịch cơ cấu, đưa công nghiệp vào, nhất là công nghiệp công nghệ cao là một giải pháp tốt”, Bộ trưởng nói.

Thứ 2, Bộ trưởng nhấn mạnh, tập trung vào thực hiện tốt 3 chỉ tiêu: Giảm nghèo, tạo việc làm và nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Trong đó chú trọng đào tạo nghề và tạo sinh kế cho người dân.

Thứ 3, về lĩnh vực bảo hiểm, đáng chú ý là Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm xã hội. Người  đứng đầu ngành LĐ-TB&XH rất mong sự hỗ trợ chặt chẽ, tích cực của Hội nông dân để quyết tâm năm 2019 của Bộ LĐ-TB&XH là có khoảng 200 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện sớm thực hiện được. “Lực lượng này chủ yếu là nông dân. Số lượng này phấn đấu được 200 ngàn người là bằng cả 10 năm qua thực hiện. Thời gian tới, sẽ bàn giải pháp cùng Bảo hiểm xã hội, Bưu điện Việt Nam cùng Hội nông dân, vận động thuyết phục”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, còn 4,6 tỷ lệ người già không có Bảo hiểm y tế, rơi chủ yếu vào người cao tuổi ở nông nghiệp nông thôn, tính ra khoảng 460 nghìn người. “Chúng ta tập trung vào cái này”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH lưu ý.

Giải quyết được 3 tồn đọng này từ nay đến 2020, cùng với việc cụ thể hóa thêm những chỉ đạo của Chủ tịch BCH Trung ương Hội nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, và nội dung chương trình ký kết chung,  Bộ trưởng khẳng định, chắc chắn sẽ là dấu ấn trong ký kết phối hợp công tác này giữa hai bên.

 

Ông Thào Xuân Sùng tặng bằng khen của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Cũng trong khuôn khổ Lễ ký kết, hai bên đã trao tặng bằng khen của BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, và bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho các cá nhân của 2 cơ quan


Với những kết quả đạt được giai đoạn 2011-2017, hai bên tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2019 – 2023 gồm những nội dung: Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho 100 cán bộ hội, hội viên nông dân trẻ, tiêu biểu để đưa đi tu nghiệp sinh, thực tập sinh, đi làm việc tại Nhật, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổng hợp kế hoạch, chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trình UBND tỉnh, thành phố phân bổ chỉ tiêu và kinh phí đào tạo sơ cấp nghề và đào tạo nghề dưới 3 tháng cho các Trung tâm hỗ trợ nông dân, nông thôn đủ đièu kiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức xây dựng tài liệu đào tạo nghề nghiệp; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội, đào tạo nghề ở nông thôn.

Hỗ trợ xây dựng mô hình giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc, biên giới, miền núi, vùng căn cứ cách mạng, vùng khó khăn. Phát động phong trào sâu rộng trong nông dân tham gia bảo vệ trẻ em trước nguy cơ về bạo lực, xâm hại, tệ nạn xã hội…

 

Kết quả Thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội giai đoạn 2011-2017, trong 5 năm qua, hai ngành đã phối hợp tích cực trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội ở nông thôn.

Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và an sinh xã hội cho nông dân, như tham gia ý kiến, đóng góp vào các dự thảo: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Trẻ em; Luật An toàn vệ sinh lao động...

Trong đó, tích cực đóng góp ý kiến về vấn đề điều chỉnh đối tượng lao động là nông dân, tham gia trực tiếp các điều khoản liên quan đến nghĩa vụ, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật, các chương trình quốc gia...

Công tác vận động, tuyên tuyền nông dân thực hiện chính sách pháp luật về an sinh xã hội được chú trọng quan tâm. Việc tư vấn, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn được tăng cường, tỷ lệ nông dân sau khi học nghề có việc làm và thu nhập ổn định đạt khoảng 90%.

Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn giúp nhiều hộ nghèo thành hộ khá, nhiều hộ khá trở thành hộ giàu, đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

Công tác bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi được được triển khai tích cực, nhiều mô hình điểm được nhân rộng. Hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với nông dân, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đã được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Bài: Thanh Nhung - Ảnh: Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh