Johnson & Johnson lại thua kiện vụ phấn rôm gây ung thư
- Y học 360
- 15:20 - 04/05/2016
Lần thứ hai trong vòng chưa đầy ba tháng qua, hãng Johnson & Johnson thua vụ kiện liên quan đến phấn rôm gây ung thư
Theo CNN, bồi thẩm đoàn St. Louis, bang Missouri (Mỹ) vừa phán quyết Johnson & Johnson phải bồi thường 55 triệu USD cho bà Gloria Ristesund, người sử dụng phấn rôm của hãng trong hơn 35 năm trước khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng vào năm 2011.
Luật sư của bà Ristesund cho rằng, hãng dược phẩm và hàng hóa tiêu dùng Mỹ Johnson & Johnson đã biết các rủi ro về sức khỏe có liên quan đến bột talc, song thất bại trong việc cảnh báo cho người tiêu dùng.
“Tài liệu nội bộ từ Johnson & Johnson cho thấy, hãng này đã biết các nghiên cứu kết nối việc sử dụng phấn rôm với bệnh ung thư buồng trứng, nhưng đến ngày nay vẫn tiếp tục tiếp thị sản phẩm là an toàn, bỏ qua các cảnh báo”, công ty luật Onder Law Firm đại diện cho bà Ristesund cho biết.
Phía Johnson & Johnson cho hay họ có kế hoạch kháng cáo bản án trên.
“Nhiều đánh giá khoa học và pháp lý đã xác định rằng bột talc là an toàn để sử dụng trong mỹ phẩm và nhãn trên sản phẩm Baby Powder của Johnson là phù hợp”, phát ngôn viên Carol Goodrich thuộc Johnson & Johnson Consumer nói.
Hồi tháng 2, bồi thẩm đoàn đã từng yêu cầu Johnson & Johnson phải trả 72 triệu USD cho gia đình bà Jackie Fox. Bà Fox đã chết vì bệnh ung thư buồng trứng trong năm 2015.
Phiên tòa trên là một phần của nhiều hành động pháp lý bao gồm 50 nguyên đơn, cho thấy sắp tới Johnson & Johnson có thể phải đối mặt thêm với các án phạt.
Talc là một khoáng chất tự nhiên bao gồm magiê, silic, oxy và hydro, được sử dụng để hấp thụ độ ẩm trong nhiều loại mỹ phẩm từ bột rôm em bé cho đến sản phẩm trang điểm.
Hiệp hội Ung thư Mỹ cho hay hiện chưa rõ sản phẩm có chứa bột talc có làm tăng nguy cơ gây ung thư hay không. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại talc là chất “có thể gây ung thư cho con người”. Vì sản phẩm có chứa bột talc được phân loại là mỹ phẩm, chúng không được cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm kiểm định. Song các sản phẩm này phải được dán nhãn rõ ràng.