THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:02

Jetstar ‘bỏ rơi’ khách là người khuyết tật

Phiếu đặt chỗ và thẻ lên máy bay ghi tên Trần Thị Ngọc

Bật khóc ở Tân Sơn Nhất

Chị Trần Thị Ngọc (46 tuổi, quê Hà Tĩnh) nói với Người đưa tin rằng chị dường như đã bật khóc trước hàng ngàn người giữa sân bay Tân Sơn Nhất khi đứa con khuyết tật của mình không được nhân viên Jetstar làm thủ tục bay.

Cao Quang Sơn (sinh 1996) là con trai chị Ngọc. Sơn bị yếu cơ bẩm sinh nên di chuyển khó khăn. Để đi lại, Sơn ngồi xe lăn hoặc nhờ người khác giúp.

Trong chuyến đưa Sơn vào thăm người thân ở Đồng Nai dịp nghỉ lễ (30/4 và1/5) này, chị Ngọc nhờ một người bạn của Sơn là Trần Văn Diễn (18 tuổi, Hà Tĩnh) cùng đi để giúp đỡ.

Ngày 26/4, chị Ngọc, Sơn và Diễn đi chuyến bay BL521 của hãng Jetstar Pacific từ Vinh vào Thành phố Hồ Chí Minh. Rồi sau đó, cả ba bắt xe về Đồng Nai.

Chị Ngọc cho hay mình đặt vé khứ hồi, tại phòng vé PTD (09 Trần Phú – TP. Vinh) với tổng tiền 9.156.000 VNĐ. Mã vé MBSNHJ, chiều đi Vinh đến Thành phố Hồ Chí Minh, khởi hành 8h55, 26/4/2015; chiều về Thành phố Hồ Chí Minh đến Vinh, khởi hành 6h30, 3/5/2015.

Chị Ngọc nói chiều đi suôn sẻ, nhân viên ga Vinh cho cháu Sơn lên máy bay vì có hai người khỏe mạnh đi kèm hỗ trợ.

Nhưng chiều về thì không như thế!

5h00 sáng 3/5, chị Ngọc cùng cháu Cao Quang Sơn và Trần Văn Diễn có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để làm thủ tục bay về Vinh theo lịch trình ghi trên vé. Tới lượt làm thủ tục, chị Ngọc cho biết “cảm thấy bủn rủn chân tay” khi hay tin cháu Quang Sơn sẽ không được đi chuyến bay này.

Lí do nhân viên Jetstar đưa ra là chị Ngọc không hề báo trước về tình trạng của hành khách nên Jetstar từ chối phục vụ. “Tại sao cùng là hãng Jetstar mà chiều đi thì được mà về thì không?” - Chị Ngọc đặt câu hỏi. “Cháu Sơn bị yếu cơ bẩm sinh, di chuyển khó khăn, thì đã có tôi và cháu Diễn (18 tuổi) giúp đỡ đưa cháu lên máy bay.” - Chị Ngọc nói thêm.

Cũng theo chị Ngọc, chị đã cố gắng năn nỉ nữ nhân viên hãng Jetstar nhưng vô vọng, người này tỏ thái độ nóng nảy và không giải thích gì thêm.

Chứng kiến toàn bộ sự việc, cháu Sơn im lặng và cố tỏ ra vui vẻ “vì có lẽ sợ mọi người buồn. Chúng tôi cảm giác như bị bỏ rơi.” - Chị Ngọc nói.

Hơn tiếng trôi qua, trong khi hành khách tấp nập làm thủ tục lên máy bay thì chị Ngọc chỉ biết nhìn con. Hết đứng lại ngồi, lòng như lửa đốt. Qua giờ bay hơn nửa tiếng, chị Ngọc đành dìu con ra cửa, bắt taxi về Đồng Nai.

Sáng 4/5, chị Ngọc buộc phải bắt xe ôtô để 3 người về Hà Tĩnh. Chi phí tiền xe là 700.000 đ/ người. Trong khi, chiếc vé khứ hồi của hãng Jetstar vẫn để trong balo.

Cao Quang Sơn bị yếu cơ bẩm sinh, ngồi chờ bắt ôtô từ Đồng Nai về Hà Tĩnh


Jetstar Pacific nói gì?

Sáng 4/5, Người đưa tin đã liên hệ với Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines, đại diện hãng hàng không giá rẻ này xác nhận có sự việc như trên.

Liên quan đến vụ việc này, đại diện Jetstar Pacific giải thích là do khách đã “không đăng ký dịch vụ đặc biệt dành cho người không có khả năng tự đi lại.”

Người này cũng cho hay, nhân viên Jetstar đã làm thủ tục cho khách, nhưng khi chuẩn bị lên máy bay thì mới biết khách bị khuyết tật.

“Do sát giờ bay, không thể thu xếp được dịch vụ xe nâng, mặt khác tại sân bay đến (Vinh) cũng không có phương tiện xe nâng hỗ trợ. Việc nhân viên hỗ trợ khách bằng cách cõng hay bế khách lên, xuống máy bay không đảm bảo an toàn cho chính hành khách và những người cùng đi.” – đại diện Jetstar Pacific lý giải.

Phía Jetstar Pacific cũng cho biết, hiện hãng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp trên tinh thần cầu thị và phù hợp với quy định. Đồng thời quán triệt đến toàn thể nhân viên trong công tác phục vụ, thái độ ứng xử và cách giải thích với hành khách.

Về số tiền vé chị Ngọc đã mua (khứ hồi) đại diện Jetstar Pacific cho hay sẽ được hãng hoàn trả.

Đại diện Jetstar Pacific cũng xác nhận 03 ghế chuyến BL520 đã được bán lại cho hành khách khác.

 

Vi phạm Thông tư 36/2014/TT-BGTVT và Thông tư 39/2012/TT – BGTVT?
Điều 9, Thông tư 36/2014/TT-BGTVT ngày 29/08/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại sân bay quy định:
Hãng hàng không có trách nhiệm:
Bố trí nhân viên chăm sóc, hỗ trợ hành khách là người già yếu, người khuyết tật và hành khách sử dụng xe lăn.

Điều 5, Thông tư 39/2012/TT – BGTVT ngày 24/09/2012 của Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng quy định:
Tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp người khuyết tật lên, xuống phương tiện được thuận tiện. Phương án trợ giúp này phải được thông báo ở những nơi dễ nhận biết tại các bến, nhà ga để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng. 

Người khuyết tật có quyền được đối xử công bằng
Trao đổi với Người đưa tin về sự việc trên, một cán bộ của Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam cho biết:
"Lúc đi thì đi được, tất nhiên về cũng phải về được, cùng một hãng sao lại có chuyện không cho về được. (?) Làm như thế này là nhân viên hãng hàng không sai luật, vì không có quy định nào là người khuyết tật không được đi máy bay.
Người khuyết tật hoàn toàn có quyền di chuyển bằng các phương tiện, trong đó có máy bay.
Nhân viên trong trường hợp này đã quá máy móc về điều kiện người đi máy bay phải đủ sức khỏe. Ở đây người khuyết tật đã được trợ giúp bởi 2 người kia nên không phải là không di chuyển được. Đương nhiên, người khuyết tật có quyền được đi máy bay.
Trong tất cả các điều lệ của người khuyết tật và hàng không, người khuyết tật đều có quyền đi máy bay bình thường.
Hơn thế, hãng hàng không phải hoàn trả lại tiền vé máy bay cho khách vì không cho họ lên."

Theo Nguoiduatin

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh