THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:43

Indonesia triệu hồi Đại sứ Trung Quốc sau vụ tàu đụng độ ở Biển Đông

Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti ngày 20/3 cho biết, vụ việc xảy ra ngày 19/3 khi các tàu tuần duyên của nước này phát hiện ra một tàu đánh cá của Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển thuộc quần đảo Natuna của Indonesia.

Một tàu cá nước ngoài bị Indonesia đánh chìm do đánh bắt cá trái phép. Ảnh Reuters


Các tàu của Indonesia đã truy đuổi và giữ chiếc tàu cá của Trung Quốc lại. Trong quá trình cẩu chiếc tàu cá này lên tàu của Indonesia, một chiếc tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiếp cận và tìm cách đâm va vào tàu của Indonesia.

Sau đó, một chiếc tàu hải cảnh khác của Trung Quốc có kích thước lớn hơn xuất hiện và phía Indonesia quyết định thả chiếc tàu cá của Trung Quốc đi.

Bà Pudjiastuti khẳng định, các tàu của Trung Quốc đã tìm cách ngăn cản tàu Indonesia cẩu chiếc tàu đánh cá trái phép lên tàu Indonesia để tránh việc chiếc tàu này bị phía Indonesia đánh chìm sau đó.

“Chúng tôi tôn trọng một nước lớn như Trung Quốc và Trung Quốc cũng cần tôn trọng chủ quyền của Indonesia cũng như việc chúng tôi đang chiến đấu chống lại việc đánh bắt cá trái phép”, bà Pudjiastuti nói.

Bà Pudjiastuti cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao Indonesia gửi công hàm “phản đối mạnh mẽ” hành động “ngạo mạn” của các tàu Trung Quốc.

Bộ Thủy sản Indonesia sẽ triệu hồi Đại sứ Trung Quốc ở Jakarta để làm rõ vụ này, người phát ngôn Bộ Thủy sản Indonesia tuyên bố.

Ông Edi Yusuf, quan chức Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết, Bộ cũng sẽ triệu hồi Đại sứ Trung Quốc ngay khi có thông tin chi tiết về vụ việc nói trên. Do Đại sứ Trung Quốc hiện vắng mặt nên Bộ Ngoại giao Indonesia sẽ triệu hồi Đại biện Trung Quốc, ông Yussuf nói thêm.

Kể từ khi lên nắm quyền hồi năm 2004, bà Pudjiastuti đã liên tục mạnh tay trấn áp hoạt động đánh bắt cá trái phép và ra lệnh cho nổ hoặc đánh đắm rất nhiều tàu cá nước ngoài bị nước này bắt giữ do đánh cá trái phép.

Dù không có tranh chấp trên Biển Đông với phía Trung Quốc như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác nhưng Indonesia vẫn phản ứng quyết liệt trước yêu sách đường 9 đoạn đầy phi lý của phía Trung Quốc bao trùm hầu khắp Biển Đông trong đó có vùng đặc quyền kinh tế bao quanh quần đảo Natuna của nước này.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh