THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:30

Indonesia: Thiết kế chương trình phúc lợi lớn

Người nghèo ở Indonesia xếp hàng chờ mua thực phẩm giá rẻ

Đẩy mạnh cải cách an sinh xã hội

Chương trình hỗ trợ được chính quyền của ông Widodo kỳ vọng sẽ tiếp cận được 15,5 triệu người Indonesia nghèo nhất và được WB đánh giá là “nỗ lực cải cách xã hội lớn nhất trên thế giới hiện nay”.

Trên thực tế, loại hình thẻ tương tự đã được ông Jokowi (tên gọi thân mật của Tổng thống Indonesia) ban hành từ khi còn là thị trưởng Jakarta, trong đó có thẻ y tế và giáo dục cho người nghèo Jakarta.

Tuy nhiên, chương trình phúc lợi mới bao gồm gói 3 thẻ đi kèm một thẻ sim điện thoại di động kết nối với một tài khoản tiết kiệm tại Ngân hàng Nhà nước Mandiri.

Qua đó, chính quyền Indonesia kỳ vọng mỗi tháng có 200.000 rupiah (khoảng 16,5 USD)/tháng sẽ đến tay hàng chục triệu hộ gia đình nghèo, không nhà cửa để giảm bớt các tác động của kế hoạch tăng giá xăng dầu.

Người thụ hưởng có thể lĩnh tiền tại các chi nhánh ngân hàng và bưu điện theo quy định.Nếu thành công, hệ thống mới này sẽ trở thành chương trình phúc lợi xã hội dưới ngân sách chính phủ có quy mô lớn nhất thế giới, hơn cả Bolsa Familia của Brazil - một chương trình tương tự hỗ trợ cho 12 triệu hộ gia đình từ khi được khởi động năm 2003.

Các mục tiêu của chính phủ Indonesia, bao gồm tiếp cận đến hàng chục triệu đối tượng nghèo, đảm bảo 12 năm học miễn phí, chăm sóc y tế tới năm 2019, là rất đáng ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, hệ thống này đang phải đối mặt với những thách thức lớn, mà trước hết là tăng cường nhận thức cộng đồng.

Tổng thống Joko Widodo (phải) trao thẻ An sinh xã hội của Chính phủ cấp cho người dân.

Người nghèo đều tiếp cận được các dịch vụ?

Thách thức đối với chính quyền mới của Indonesia là thực sự cung cấp được các dịch vụ hứa hẹn thông qua các thẻ an sinh xã hội mới, đặc biệt là ở các tỉnh miền đông xa xôi.

Nhà kinh tế hàng đầu tại WB Indonesia Cristobal Ridao - Cano nói: “Do nhu cầu về các dịch vụ này, cả y tế hay giáo dục, đang gia tăng, chính phủ phải đảm bảo rằng tất cả người nghèo ở Indonesia đều tiếp cận được các dịch vụ này”.

Theo ông Ridao - Cano, việc thực hiện những lời hứa về cải cách giáo dục sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền của chính phủ: “Indonesia hiện có 8,5 triệu trẻ em ở độ tuổi tới trường nhưng không được đi học, vì thế chỉ xét tới việc trang bị cho các trường học đó thêm các lớp học và bàn ghế học sinh, mà chưa xét tới chất lượng, đã là một khoản đầu tư khổng lồ”.

Trong giai đoạn 2003 - 2010, chi tiêu của giới giàu nhất ở Indonesia (chiếm 20% dân số) đã tăng 5,9%, trong khi con số này ở các hộ gia đình nghèo (chiếm 40% dân số) chỉ tăng 1,3%.

Hệ số GINI, thước đo bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân của Indonesia là tương đương với các quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn, ở mức 0,41 trong năm 2013; tăng đáng kể từ mức 0,29 trong năm 2000.

Bất chấp số lượng người Indonesia có mức sống dưới 1,25 USD/ngày trong giai đoạn 1990 - 2005 đã giảm một nửa, trong thập kỷ vừa qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em đã gia tăng và cao hơn các nước đang phát triển khác.

Ngoài ra, hiện có hơn 37% số lượng trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còi cọc, dẫn tới kém phát triển não bộ. Con số này tăng từ 28,5% năm 2004. Trong những năm vừa qua, hàng triệu người Indonesia đã thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực.

Tuy nhiên, để người nghèo Indonesia có thể vươn tới mức sống cao hơn nữa, chính phủ nước này sẽ phải đảm bảo những người nghèo, hay “cận nghèo” không bị “bỏ quên” trong câu chuyện tăng trưởng của đất nước “vạn đảo”.

THANH AN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh