THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:00

ILO: Nắng nóng vào năm 2030 có thể gây thiệt hại 2.400 tỷ USD

Nắng nóng làm thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu.

Nắng nóng làm thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia, các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn với cường độ gay gắt hơn là một hình thái thời tiết cực đoan ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn do tình trạng ấm lên toàn cầu, không những cướp đi sinh mạng của hàng nghìn con người mà còn tác động nghiêm trọng đến kinh tế.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết trong tổng số 2 triệu người tử vong vì các hình thái thời tiết cực đoan xảy ra trong giai đoạn 1970 - 2019, gần 10% là do nhiệt độ tăng cao. Trong giai đoạn 2000-2019, nhất là thập kỷ 2010-2019, nắng nóng là nguyên nhân gây một nửa trong số 185.000 trường hợp tử vong vì các hình thái thời tiết cực đoan.

Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các đợt nắng nóng tại châu lục này là nguyên nhân gây ra 90% số người tử vong liên quan tới khí hậu từ năm 1980-2022. Các đợt nắng nóng cũng gây thiệt hại kinh tế được phản ánh qua số người nhập viện gia tăng, hoạt động sản xuất trong ngành xây dựng, nông nghiệp giảm mạnh, sản lượng nông nghiệp giảm và thậm chí gây thiệt hại trực tiếp tới hạ tầng cơ sở. Số người tử vong quá nhiều do nắng nóng cũng gây tổn thất kinh tế.

EAA ước tính, các đợt nắng nóng ở 32 nước châu Âu từ năm 1980-2000 đã gây thiệt hại 27-70 tỷ euro. Mức độ thiệt hại trong 20 năm qua, bao gồm cả đợt nắng nóng chết người năm 2003, khiến thêm 30.000 người tử vong sẽ chắc chắn còn cao hơn nhiều.

Tại Pháp, cơ quan y tế công cộng quốc gia còn gọi các đợt nắng nóng là "gánh nặng xã hội vô hình bị đánh giá thấp". Chỉ riêng tại Pháp, các đợt nắng nóng từ năm 2015 đến 2020 đã khiến nước này thiệt hại 22-35 tỷ euro về chi phí chăm sóc sức khỏe, giảm phúc lợi và nhất là những tổn thất vô hình liên quan tới người tử vong do nắng nóng.

Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature, các đợt nắng nóng xảy ra vào năm 2003, 2010 và 2018 tại châu Âu đã gây thiệt hại từ 0,3-0,5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên toàn châu lục và tăng lên 2% GDP ở Nam Âu.

Nghiên cứu cảnh báo, mức độ thiệt hại này có thể tăng gấp 5 lần vào năm 2060 so với mức giai đoạn 1981-2010 nếu các nước không cắt giảm mạnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như không đề ra các biện pháp thích ứng với nắng nóng.

Trong khi đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết ở nhiệt độ khoảng 33-34 độ C, một người lao động trung bình mất 50% sức lao động. ILO dự báo các đợt nắng nóng vào năm 2030 có thể làm giảm hơn 2% số giờ lao động trên toàn cầu, tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian, gây thiệt hại kinh tế 2.400 tỷ USD, cao gấp gần 10 lần so với mức thiệt hại năm 1995.

Trong một báo cáo gần đây nhất, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) cho biết, tình trạng sốc nhiệt do nắng nóng sẽ làm giảm khả năng làm việc của những người lao động chân tay ngoài trời trên quy mô toàn cầu. Ở một số vùng nhiệt đới, người lao động không thể làm việc ngoài trời trong 200-250 ngày/năm vào cuối thế kỷ.

Nắng nóng cũng như hạn hán, đều là mối đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Theo Bộ Nông nghiệp Pháp, một đợt nắng nóng diễn ra trong năm 2019 đã làm giảm 9% sản lượng ngô và 10% sản lượng lúa mì của nước này.

Tại Mỹ, một đợt nóng như thiêu như đốt năm 2012 đã làm giảm 12% sản lượng ngô và làm đẩy mạnh giá ngô trên toàn cầu. Ngoài ra, theo IPCC, nắng nóng cũng ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi gia súc và sản lượng sữa.

Theo nghiên cứu của Đại học Durham (Mỹ) công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, giai đoạn 2001-2020, việc tránh nắng nóng đã khiến thế giới mất không dưới 677 tỷ giờ làm việc mỗi năm trên các lĩnh vực, đặc biệt ở môi trường lao động ngoài trời như đồng áng hay công trường xây dựng.

Nếu cộng dồn thì con số trên tương đương 155 triệu việc làm toàn thời gian và "có thể so sánh với thời gian tạm ngừng làm việc trong giai đoạn bị cách ly liên quan đến COVID-19".

Công trình của nhóm nghiên cứu được thực hiện dựa trên ghi nhận hàng giờ về sự thay đổi nhiệt độ Trái đất trong 20 năm trên toàn cầu.

Thiệt hại về năng suất, vốn đã rất cao ở các nước đang phát triển, vẫn đang tăng và thay đổi rất lớn tùy thuộc vào các khu vực trên thế giới. Theo đó, Ấn Độ đã mất 259 tỷ giờ, tương đương với 62 triệu việc làm, gần một nửa tổng số trên toàn cầu. Tiếp đến là Trung Quốc (72 tỷ giờ), Indonesia (36 tỷ giờ) và Bangladesh (32 tỷ giờ).

Ở một số quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới châu Phi như Sudan và Sierra Leone, thiệt hại này chiếm đến hơn 10% GDP. Tổn thất ở các quốc gia khu vực Nam Á cũng rất đáng kể, với khoảng 5% GDP ở Việt Nam, Bangladesh hay Indonesia.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh