50 năm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ - vì sao?
- Tây Y
- 01:12 - 16/01/2018
Gần 50 năm đi tìm em
Ông Ngô Đức Hồng, địa chỉ số 4, ngõ 155, An Xá, phường An Xá, quận Ba Đình, Hà Nội phản ánh em trai ông là Ngô Văn Tản, hy sinh từ tháng 1/1968 nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.
Theo các tài liệu mà ông Hồng cung cấp, em trai ông là Ngô Văn Tản, SN 14/1/1943, nguyên quán thôn Minh, xã Tiên Ngoại (huyện Duy Tiên, Hà Nam), hộ khẩu thường trú số nhà 380 Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội). Trước khi nhập ngũ, em trai ông làm việc tại Phòng Cung tiêu, thuộc Nhà máy Cơ khí Hà Nội (Bộ Công nghiệp nặng lúc bấy giờ). Theo Quyết định nhập ngũ số 468 CK-TCCB ngày 23/7/1967của Nhà máy Cơ khí Hà Nội, em trai ông cùng hàng chục công nhân viên trong nhà máy lúc ấy lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Đơn vị lấy quân: Quân đội quận Đống Đa (Quân khu Thủ đô). Địa chỉ hòm thư sau khi nhập ngũ: 15834 Kj, Tiểu đoàn huấn luyện 388, Trung đoàn 4, Sư đoàn 320. Khi vào chiến trường B thuộc đoàn Hải Yến. Lá thư cuối cùng của ông Ngô Văn Tản mà gia đình nhận được ngày 1/1/1968 được viết tại một địa danh thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Theo ông Hồng, Nhà nước đã cấp cho gia đình ông nhiều bằng chứng cũng như các chế độ như: Bằng Chiến sĩ vẻ vang (Do Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô cấp), phụ cấp hàng tháng cho cho mẹ liệt sĩ có con tham gia chiến trường B. Theo Quyết định 193/CP tháng 1/1977 thì gia đình không được cấp nữa.
Ông Ngô Đức Hồng bên tập hồ sơ tìm kiếm em trai hàng chục năm qua
Trong phiếu xác minh quân nhân mất tin, mất tích, hy sinh trong các cuộc chiến tranh chưa được giải quyết chính sách của Nhà máy chế tạo Công cụ số 1 (trước đây là Nhà máy cơ khí Hà Nội) cũng như xác nhận của các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ khi nhập ngũ không đào ngũ, bỏ ngũ về địa phương, đồng thời đề nghị công nhận chiến sĩ Ngô Văn Tản là liệt sĩ.
Tại sao vẫn chưa xác minh xong?
Không có tin tức từ em trai hàng chục năm sau khi nhập ngũ, trong nhiều năm liền, gia đình ông Hồng đã đi gõ cửa các cơ quan chức năng. Mặt khác, để làm rõ về sự hi sinh của em trai mình, gia đình đã gửi đơn đến các đơn vị của Bộ Quốc phòng cũng như các cơ quan liên quan, nhưng qua nhiều lần đều không tìm thấy thông tin về em trai mình. Mãi đến tháng 12/2016, gia đình ông nhận được Công văn số 1851/CCT-CS của Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) gửi Cục Chính sách (Tổng Cục Chính trị - Bộ Quốc Phòng) về việc xác minh trường hợp mất tin, mất tích của quân nhân Ngô Văn Tản.
Theo đó, trong Công văn 1851 ghi rõ, “Quá trình rà soát, kiểm tra Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tìm thấy danh sách liệt sĩ lưu tại Phòng Chính sách có quân nhân Ngô Văn Tản, nhưng thông tin cần xác minh thêm. Cục Chính trị đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đề nghị Cục Bảo vệ An ninh Quân đội kiểm tra, xác minh. Khi có kết quả sẽ báo cáo Cục Chính sách và xin ý kiến chỉ đạo”.
Ông Hồng buồn bã: "Tại sao em trai tôi có tên trong danh sách những liệt sĩ đã hy sinh mà đến bây giờ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ? Từ khi nhận được Công văn 1851 ký ngày 9/12/2016 đến nay đã hơn một năm trôi qua, nhưng vì lý do gì mà các cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh xong? Tôi có anh trai năm nay cũng đã gần 90, còn tôi cũng đã ngoài 81 tuổi, không biết chúng tôi còn sống để hy vọng, để đợi chờ đến một ngày nào đó em trai mình được công nhận là liệt sĩ, đến khi đó chúng tôi mới thanh thản mà nhắm mắt xuôi tay được”.
Để Giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo các cấp vào cuộc quyết liệt giải quyết căn bản hồ sơ người có công còn tồn đọng. Việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đã mang lại cho người có công và gia đình người có công niềm động viên lớn sau bao năm mong mỏi, đợi chờ; được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người đã có quá trình hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc. Nhiều hồ sơ tồn đọng khá lâu, tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn nên các địa phương đã phải tích cực khai thác tối đa thông tin từ các nguồn khác nhau, do đó cán bộ các cơ quan chức băng phải thật sự giải quyết vấn đề này bằng trái tim, lương tâm và khối óc của mình.
Khi đặt vấn đề giải quyết hồ sơ còn tồn đọng trong năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Việc giải quyết hồ sơ còn tồn đọng cũng còn nhiều khó khăn, có trường hợp phải xác minh tới 4 tháng nhưng chính vì hồ sơ không còn đủ, không giải quyết được thì chúng ta phải xắn tay vào giải quyết, nợ dân mãi làm sao được? Các đơn vị xem xét, đề nghị xác nhận người có công với cách mạng phải được tiến hành khẩn trương nhưng phải hết sức chặt chẽ, nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm của các cấp, các ngành".
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
4 tháng trước
Tin nên đọc