Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:33 - 03/01/2016
Lãnh đạo huyện Như Xuân thăm, tặng quà gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ
Sau 5 năm thực hiện lồng ghép chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững (giai đoạn 2011-2015) công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi. Từ nguồn vốn đầu tư từ Nghị quyết 30a và các nguồn lực lồng ghép khác đã góp phần quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Đến nay 80% xã có đường ô tô đến trung tâm xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 30% thôn bản có đường trục giao thông được cứng hóa theo tiêu chuẩn Bộ Giao thông Vận tải; 100% trung tâm xã có điện, 90% thôn bản có điện phục vụ sản xuất, kinh doanh; các công trình thủy lợi nhỏ đã được đầu tư đáp ứng 50% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng...
Trong hỗ trợ phát triển sản xuất, từ nguồn vốn 30a, 135 kết hợp với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, vốn tự có của nhân dân, đa số các hộ được hỗ trợ mua trâu, bò sinh sản đã phát huy được hiệu quả thiết thực, từ mức 1 con/hộ đến nay nhiều hộ đã có thêm từ 1-3 con. Các gia đình vì thế cũng giải phóng được sức lao động, tập trung phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.
Lãnh đạo huyện Như Xuân thăm mô hình kinh tế trồng thanh long.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo nghị quyết 30a , trong 5 năm Ngân hàng Chính sách Xã hội đã cho vay ưu đãi với tổng kinh phí 401.696 triệu đồng. Trong đó, chính sách vay vồn hộ nghèo theo NĐ 78 là 93.298 triệu đồng; cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo huyện 30a là 1.560 triệu đồng; cho vay phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo QĐ 54 là 2.109 triệu đồng...Với nhiều chương trình cho vay ưu đãi, trong 5 năm qua, số hộ được vay vốn đã đầu tư vào sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Công tác đào tạo nghề theo chương trình MTQG, quyết định 1956/QĐ-TTg và chương trình 30a, từ 2011-2015 Như Xuân đã tổ chức dạy nghề cho 839 học viên, tập trung vào các nghề: Kỹ thuật trồng cây công nghiệp, chăm sóc phòng bệnh trâu bò; trồng nấm; may công nghiệp... qua học nghề người lao động đã áp dụng tốt kiến thức khoa học vào thực tiễn sản xuất tại gia đình, địa phương và tham gia lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện.
Một góc Như Xuân.
Từ các chính sách hỗ trợ, nhiều mô hình giảm nghèo bền vững được xây dựng và nhân rộng: Mô hình nuôi trâu, bò; mô hình nuôi dê; mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học. Qua đó, số hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo hàng năm đạt trên 95% kế hoạch...
Giai đoạn 2011 - 2015, công tác XKLĐ cũng được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Thực hiện QĐ số 71/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đi XKLĐ, huyện Như Xuân đã tổ chức được 9 hội nghị cấp huyện, 25 hội nghị cấp xã để tuyên truyền, thu hút hơn 2.280 thanh niên và gia đình tham gia. Kết quả đã có 695 lao động được tham gia học ngoại ngữ và định hướng, đã xuất cảnh 573 lao động (theo QĐ 71 là 281 lao động) tập trung ở các thị trường có thu nhập cao: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...Qua XKLĐ, nhiều gia đình đã trở nên khá giả, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ văn hóa thông tin, các chính sách đối với cán bộ... cũng được đẩy mạnh triển khai thực hiện đã làm thay đổi căn bản diện mạo của một huyện miền núi nghèo.
Thực hiện hiệu quả an sinh xã hội
Cùng với việc nỗ lực phát triển kinh tế, năm 2015 công tác an sinh xã hội cũng được Như Xuân đẩy mạnh thực hiện. Toàn huyện đã tổ chức cấp 48.964 thẻ BHYT cho các đối tượng từ ngân sách nhà nước. Trong đó, đối tượng hộ nghèo: 11.950 thẻ; người cận nghèo: 3.912 thẻ; dân tộc thiểu số vùng 135: 17.150 thẻ; dân tộc thiểu số không vùng 30a: 7.835 thẻ; trẻ em dưới 6 tuổi : 6.781 thẻ...
Toàn huyện cũng đã tổ chức thực hiện tốt công tác thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội với 7.536 suất quà, tổng trị giá hơn 1,4 tỷ đồng. Tổ chức chi trả trợ cấp thường xuyên cho 604 người/tháng với tổng kinh phí hơn 14,4 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 87 đối tượng với 1,1 tỷ đồng. Thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm và thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân ngày 27/7; Cách mạng tháng Tám và ngày 2/9. Tổ chức tiếp nhận và an táng 2 hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang huyện. Xây dựng kế hoạch triển khai thu, chi quỹ đền ơn đáp nghĩa với tổng thu hơn 207 triệu đồng; đã hỗ trợ xây dựng 3 công trình gồm 1 nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại xã Bình Lương, 2 nhà tình nghĩa cho thương binh...
Năm 2015, Như Xuân đã giải quyết việc làm mới cho 2.500 lao động đạt 100% kế hoạch năm, trong đó: Lao động đi làm việc ngoài huyện 1.173 lao động, giải quyết việc làm trong huyện 1.227 lao động; xuất khẩu lao động ước thực hiện: 200 lao động, đạt 117,6% kế hoạch tỉnh giao, đạt 66,6% kế hoạch huyện giao... Tổ chức 11 lớp nghề cho 298 học viên, gồm: 2 lớp may công nghiệp, 2 lớp nghề chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò (Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh giao); phối hợp với Trường Cao đẳng nghề công nghiệp, Trường Trung cấp nghề giao thông vận tải Thanh Hóa mở 7 lớp nghề (nghề may và thiết kế thời trang, nghề điện tử, nghề vận hành lái máy xúc..vv). Phối hợp với Công ty may Trường Thắng Nông Cống tiếp nhận và giải quyết việc làm thường xuyên cho 70 lao động tại xưởng may Trung tâm dạy nghề huyện với mức lương bình quân 3 triệu đồng/lao động/tháng.
Với những kết quả đáng ghi nhận trên, diện mạo mới của huyện miền núi Như Xuân đã căn bản thay đổi. Thêm mùa xuân mới, đồng bào các dân tộc huyện Như Xuân lại thêm vững bước để thoát nghèo.