THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:52

Huyện Hương Khê (Hà Tĩnh): Dân mong một chiếc cầu

Bến đò ma!

Xã Hương Mỹ được coi là rốn lũ ở Hà Tĩnh với địa bàn hết sức phức tạp, bị chia cắt nhiều nơi. Đây là địa phương đặc biệt khó khăn, được hưởng chính sách miền núi 135, điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì.

Cầu phao chợ Hôm bắc qua sông Ngàn Sâu chính là nút giao thông quan trọng nhất nối liền các thôn trong xã và các xã lân cận như Hà Linh, Hương Điền...

Chiếc cầu phao này được làm từ năm 2006 bằng nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo. Tuy vậy, cầu chỉ được thiết kế tạm thời để phục vụ người đi bộ và xe máy trong điều kiện thời tiết bình thường.

Các phương tiện ô tô, xe cơ giới muốn qua lại phải đi đường vòng lên Thanh Luyện, qua Phúc Đồng mất hơn 20km. Hàng năm cứ đến mùa mưa lũ từ tháng 8 đến tháng 10 người ta lại phải tháo dỡ cầu, thay vào đó vẫn phải sử dụng những con đò quen thuộc vốn ngự trị trên khúc sông này từ bao đời nay.

" chiêc cầu rình rập mối hiểm nguy"

Cho tới nay, nhiều người dân ở đây vẫn còn nhớ như in cái chết đầy thương tâm của anh Lê Khắc Thái năm 2005 và cái chết của một thôn nữ năm 2006. Cả hai cái chết đều giống nhau, đều rơi từ trên cầu phao xuống cùng một địa điểm.

Nhưng nỗi ám ảnh khủng khiếp nhất với họ là vụ lật đò cũng tại địa điểm đó vào năm 1997 làm chết một lúc 5 mạng người. Gần đây nhất, vào lúc 11 giờ, ngày 5/3/2014 này, một em học sinh lớp 3 trên đường đi học về lại bất ngờ bị rơi khỏi cầu phao. Rất may vào thời điểm ấy có anh Trần Văn Thạch (25 tuổi) đã nhảy xuống cứu thoát càng khiến cho mọi người thêm hoang mang khi mà mùa mưa lũ sắp tới.

Ông Hoàng Văn Phú (76 tuổi) ở xóm Tân Trung cho biết: Từ thời xưa trên sông Ngàn Sâu đoạn qua xã Phương Mỹ có rất nhiều đò dọc  từ Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ ngược xuôi lên Hương Khê buôn bán làm ăn. Mỗi khi qua khúc sông này họ luôn hết sức cẩn thận, bởi dòng chảy ở đây rất bất thường.

Nhất là mùa lũ lụt thì dòng nước luôn xoáy cuộn sẵn sàng nuốt trôi bất kỳ một con thuyền nào, nên cánh thợ chèo còn gọi đó là “bến đò ma”. 

Lời thỉnh cầu chính đáng

Nếu lấy năm 1972 làm mốc thời gian, tính từ ngày thành lập xã trên cơ sở sát nhập ba xã: Hương Mỹ, Hương Trung và Hương Nam thành xã Phương Mỹ bây giờ, thì tới nay đã vừa tròn 42 năm trời đằng đẵng trôi qua, bao thế hệ người dân Phương Mỹ cũng như các xã Hương Điền, Hà Linh... vẫn tha thiết có được một chiếc cầu bắc qua bến đò chợ Hôm để thông thương đi lại, làm ăn phát triển kinh tế xã hội, nhưng lời thỉnh cầu của họ vẫn chìm trong vô vọng!

" Đã có nhiều người chết tại nơi này"

Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: Xã có 660 hộ dân, với 3.045 nhân khẩu, tỷ lệ bà con giáo dân chiếm gần 58%. Sông Ngàn Sâu chia cắt xã thành hai vùng rõ ràng.

Bờ tây là các thôn Trung Thượng, Ấp Tiến, Nam Hà, Nam Trung; bờ đông là các thôn Thượng Sơn, Tân Trung, Tân Hạ, Tân Thành. Phía bờ đông này tập trung gần 400 hộ dân và có 420/tổng số 743 em học sinh đang theo học các cấp thường ngày phải qua lại bến đò. Bởi tất cả các trường học, trạm y tế, trụ sở chính quyền xã, chợ búa và nhà thờ xứ Thổ Hoàng đều nằm phía bờ tây.

Mùa mưa lũ đến, chính quyền xã phải huy động đò, thuê người lái... chi phí tất tần tật cho công tác phục vụ nhân dân đi lại bằng đò mỗi mùa như thế hết khoảng 60 triệu đồng.

Vậy nhưng, không phải ngày nào đò cũng có thể hoạt động được, bởi đây là khúc ngoặt sâu nhất của sông Ngàn Sâu nước rất xiết và biến đổi rất khó lường. Điển hình là các cơn lũ khủng khiếp năm 2007,  2010 và 2013 vừa qua đã cô lập hoàn toàn các thôn xóm với thế giới bên ngoài, khiến học sinh phải bỏ học trong nhiều ngày liền và mọi sinh hoạt của người dân đều bị gián đoạn.

Phương Mỹ là xã nghèo, thu ngân sách địa phương năm 2013 đạt 162 triệu đồng. Trong lúc đó chỉ riêng chi phí tiền đò phục vụ dân sinh trong ba tháng mùa mưa đã tiêu tốn 60 triệu đồng.

Vậy làm sao có thể nói đến xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nay người dân Phương Mỹ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhà chòi chống lũ, theo phương thức sống chung với lũ, nhưng đó chỉ là giải pháp “cho con cá” chứ không phải “cho cần câu”. Điều mà chính quyền và nhân dân địa phương ở đây cần nhất vẫn là có được một chiếc cầu bắc qua sông.

Nguyễn Ngọc Vượng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh