CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:45

Huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu): Làm giàu từ nuôi cá lóc bông

 

Khu vực Láng Dài là một vùng giàu tiềm năng và sớm hành thành những làng nghề nuôi cá nước ngọt. Nhưng với những loại cá nuôi truyền thống như trôi, chép, rô phi…thì dù người dân có nỗ lực đầu tư công sức, tiền bạc đến đâu vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Gia đình ông Lai cũng vậy, vào thời điểm nuôi thuận lợi nhất, với 1,5 ha mặt nước, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm chỉ đem lại cho ông khoảng hơn 100 triệu đồng.  Khoản lãi này, theo tính toán của ông Lai thì không bằng so với số tiền cho người khác thuê lại ao hàng năm.

Mô hình nuôi cá lóc bông trong ao đào những năm gần đây đã được nhân rộng ở xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

 

Để tìm hướng đi mới cho nghề nuôi cá nước ngọt vốn đã gắn bó với người dân nơi đây, nhiều người đã quyết định khăn gói xuống tận: Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp,... học hỏi kinh nghiệm nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như: lóc bông, thát lát, rô đồng…Sau khi tìm hiểu kỹ về đặc tính và kỹ thuật nuôi từng loại cá kể trên, họ quyết định chọn mô hình nuôi cá lóc bông, là một trong những mô hình đang được nông dân các tỉnh miền Tây Nam bộ quan tâm đầu tư phát triển. Đối với họ đây là mô hình khá phù hợp với điều kiện về chi phí đầu tư cũng như về điều kiện tự nhiên mặt nước ao, nguồn thức ăn là cá biển sẵn có tại địa phương. Cuối năm 2008, một vài hộ đã đầu tư vào nuôi thử nghiệm vụ đầu tiên, kết quả rất khả quan, khiến họ rất kỳ vọng vào mô hình này. Ông Hoàng Thành Lai là một trong những người đi tiên phong thực hiện mô hình nuôi cá lóc bong ở Láng Đài.

  Đối với những hộ nông dân thiếu đất đào ao có thể thực hiệp mô hình nuôi cá lóc bông trong bể xi măng và bể lót bạt cũng đem lại hiệu quả  

 

Để mở rộng quy mô cải tạo khoảng 1/3 diện tích ao nuôi của gia đình, ông Lai mạnh dạn đến gõ cửa Doanh nghiệp tư nhân Bằng Mỹ (một doanh nghiệp chuyên chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản ở xã Đá Bạc huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) mời hợp tác đầu tư. Nhận thấy ý tưởng hay, mô hình khả thi, nên doanh nghiệp này đã đồng ý chung tay góp vốn đầu tư thực hiện. Được đầu tư vốn, có kiến thức học được từng những người nông dân miền Tây Nam bộ và kinh nghiệm từ vụ cá nuôi thử nghiệp, ông Lai liên tiếp gặt hái thành công nhiều vụ cá lóc bông. Đến nay, mỗi năm ông thu hoạch hàng chục tấn cá thương phẩm, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 1,5 kg – 2 kg, với giá ổn định 30.000 đ/kg, trừ mọi chi phí, thu về khoảng hơn 700 triệu đồng tiền lãi.

Cá lóc bông nuôi trưởng thành khi thu hoạch có thể đạt trọng lượng từ 1,5 kg - 2 kg/ 1 con, đem lợi nhuận cao hơn so với việc nuôi các loại khác trên cùng diện tích mặt nước 

 

Ông Lai chia sẻ: “Cá lóc bông có nguồn gốc từ Cămpuchia, có sức đề kháng cao, tỷ lệ nuôi sống từ lúc thả giống đến khi thu hoạch đạt tới 95% và da vảy cá lóc bông cũng có sự chống chịu tốt hơn so với các loại cá lóc thường, ít bị bệnh, nhờ những ưu điểm này người nuôi ít gặp rủi ro hơn. Tuy xuất hiện sau các loài cá nước ngọt khác, nhưng cá lóc bông rất phù hợp với điều kiện nguồn nước ở Láng Dài”. Lãnh đạo xã Láng Dài cho biết, noi gương ông Lai, hiện nay rất nhiều hộ nông dân trong vùng đã chuyển đổi từ nuôi các loại cá truyền thống (chép, trôi…) sang nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây thực sự đang là một mô hình mở ra triển vọng mới cho các làng nghề nuôi cá nước ngọt không chỉ ở Láng Dài mà cho nhiều địa phương khác của Bà Rịa – Vũng tàu.

Lương Định/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh