THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:24

Huyện Bình Đại (Bến Tre): Nông dân làm giàu từ trồng mãng câu xiêm

 

Theo một số nông dân xã Phú Vang, từ khi những vùng đất canh tác của địa phương được ngọt hóa với 6 tháng nước mặn và 6 tháng nước ngọt, nhiều hộ nông dân đã đốn cây dừa để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái khác. Trong đó, mô hình trồng cây mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát được nhiều hộ nông dân lựa chọn. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - người đi tiên phong trong mô hình này cho biết, trồng mãng cầu xiêm ghép trên gốc cây bình bát có nhiều ưu điểm nổi bật. Cây bình bát thuộc họ với cây mãng cầu được mọc hoang dã, có bộ rễ có sức chịu hạn mặn rất tốt, rất hợp với thổ nhưỡng ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa trong vườn mãng cầu xiêm đang cho thu hoạch mỗi năm hàng trăm triệu đồng/ năm

 

Được biết, năm 2010, sau khi lặn lội qua vùng Tân Phú Đông (Tiền Giang) học hỏi kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Nghĩa quyết định phá bỏ 0,8 ha cây dừa để đem cây bình bát hoang dại về trồng. Khi cây bình bát trưởng thành, ông ghép cây mãng cầu xiêm vào gốc cây bình bát theo kỹ thuật đã học được từ những nhà vườn ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Với kỹ thuật trồng ghép khá đơn giản, người nông dân nào khi được chia sẻ hướng dẫn đều có thể thực hiện được.

Theo cách làm này, chỉ sau hai năm ghép là cây mãng cầu xiêm đã cho lứa trái đầu tiên. Hộ ông Nguyễn Văn Nghĩa, với 500 cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát mỗi năm cho thu hoạch khoảng từ 20 – 25 tấn, được thương lái tới tận vườn thu mua, với giá từ 20.000 đ/ kg – 30.000 đ/kg, có lúc 40.000/kg đem lại nguồn thu nhập đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Một số nhà vườn cho biết, hiện nay nhờ kỹ thuật thụ phấn nhân tạo, mãng cầu xiêm cho thu hoạch trái quanh năm, năng suất cao, trái to đạt trọng lượng 1,5 kg đến 2 kg. Một số nhà vườn cho biết, cây mãng cầu xiêm trồng ghép trên gốc bình bát có tuổi thọ cao, cho trái khoảng 8 – 9 năm mới phải phá đi trồng lại. Đây thực sự là một mô hình góp phần giảm nghèo bền vững và làm giàu của nông dân được các cấp chính quyền địa phương hết sức quan tâm và vận động nhân rộng trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (bên trái) đang nhiệt tình chia sẻ về kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm trên gốc bình bát với nông dân trong vùng.

 

Lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết, trước đây phong trào chặt cây dừa, đào ao để nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát đã thất bại do tôm bị dịch bệnh, khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh trắng tay. Từ khi mô hình trồng cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã có nhiều nông dân tìm đến học hỏi cách làm của ông Nguyễn Văn Nghĩa. Được ông Nguyễn Văn Nghĩa nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, nhiều nông dân làm theo và đã không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ đã và đang vươn lên làm giàu. Lãnh đạo chính quyền địa phương xã Phú Vang, huyện Bình Đại cho biết, trên vùng đất nhiễm mặn trước đây chỉ có cây dừa sống nổi, thì mô hình trồng cây mãng cầu xiêm trên gốc cây bình bát đã đem lại hiệu quả kinh tế cao là một hướng đi mới có tính đột phá. .

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh