CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Hương thơ trà đạo Huế

 

Huế là nơi kinh đô xưa, nức tiếng Trà thơ, anh chọn cho vài bài thơ về Trà của Huế để tham gia Không gian trà và thi ca nhé”. Tôi quý Thúy Quỳnh, một nhà văn nữ giỏi và cương nghị nên nhận sẽ tìm, nhưng không biết có những ai làm thơ về Trà. Nghĩ mãi mới nhớ ra trong tủ sách nhà mình có cuốn Lục bát trà dày cộp do nhà thơ Phạm Văn Sau tặng từ 4 năm trước.  Đọc lại  Lục bát trà, tôi mới thực sự chú ý hơn về thơ viết về trà. Vâng, có một dòng thơ về trà thật. Say đắm và nồng nàn như hương trà Thái buổi bình minh bên sông Hương... Thú đời lẫn lộn sạch nhơ/ Chén trà tinh khiết thỏa mơ thú nhàn (Lục bát trà- LBT )

Ở Huế có nhiều chỗ thưởng thức hương trà thơ. Quán trà Vũ Di thơ mộng nghiêng lên hướng đối thông Thiên An, Trà thất Kim Long nhà rường trong vườn Huế cổ xưa tĩnh lặng, hay về đường Trần Văn Kỷ thưởng thức Trà Bắc- đèn dầu, thâm u mà nho nhã... Không thích ra quán thì  về Vỹ Dạ, Kim Long tìm nhà bạn có vườn cây hoa cảnh ngồi dăm ba anh em pha trà thưởng thơ cũng không gì kỳ thú bằng.

Tính tôi thích rượu- thơ. Về già bây giờ mới tìm đến trà thơ. Có câu thơ thật hay, cũng thật hợp với cảnh Huế :Ngụm trà tóc nguyệt pha sương. Người ta hay uống trà sớm.  Bình minh nhất trản trà. Bán dạ tam bôi tửu... (Mai sớm một tuần trà./ Canh khuya dăm chén rượu). Người ta cũng thưởng thức trà trưa. Khi hương sớm, lúc trà trưa/ Bàn lan điểm nước, đường tơ họa đàn (Kiều) . Có đoạn thơ không biết của ai viết  về trà rất hay mà tôi thuộc nằm lòng :

Nhấp ngụm trà thơm khà một tiếng

Trăng vàng rớt xuống đáy ly nghiêng

Quỳnh hoa hương ngát đầy cõi mộng

Có phải ta vừa lạc chốn tiên

Ấm trà thời Minh Triệu.

Tôi nghĩ, cái chốn tiên, cõi mộng  ấy chính là Huế. Huế là nơi sinh ra để thành không gian trà đạo. Vườn nhà, vườn chùa Kim Long, Vỹ Dạ, Nguyệt Biều... Dòng sông, con đò và hoa. Hoa nở bốn mùa, rất hợp với không gian trà, không gian thơ. Đọc thơ của Phạm Văn Sau mà nghe như đang nâng chén trà Thái ướp sen Tịnh Tâm hương ngát, không còn phân biệt hương trà hay hương thơ: Ngón hoa nâng ấm xoay nghiêng/ Đường cong hư huyễn phong duyên kín vào/ Nghe từng cánh nở xôn xao / Phút giây giao hội ngạt ngào tỏa hương. Hương người đẹp Huế nghiêng mình pha trà tiếp khách hay chính cánh trà đang nở hương trong hồn thi nhân! Nhà thơ Ngàn Thương thì hoài niệm hương Trà ( xin viết hoa chữ Trà): Người về chạm ngõ mùa xuân / Vẫn còn nguyên đó hương thầm Trà xưa... Và đây là trà thơ của một tác giả nữ còn rất trẻ: Hương trà/ thoang thoảng không gian / Vị trà dìu dịu quyện làn/ môi xinh ( Hồ Tịnh Văn). Thơ thật lan tỏa, thật tình tứ như hương trà đạo Huế.

 Nhưng đó chỉ là những bài thơ lẻ. Tình sử Lục bát trà của Phạm Văn Sau mới thật cánh - rừng - nhiệt - đới-  thơ - trà. Trường ca Lục bát trà dài 4889 câu thơ về Trà có thể gọi là một biên niên sử về trà Việt hương tỏa lan dọc dài bốn ngàn năm lịch sử. Và xa hơn nữa khi người Lạc Việt còn làm chủ vùng đất rộng lớn từ phía Nam sông Dương Tử cho đến Đông Nam Á hôm nay. Nên  Thế giới trà- có ba nòi:/ Trà Việt - sớm nhất “chè trời” Hà Giang ( LBT- từ đây mọi trích dẫn đều lấy từ LBT ). Ai lên mạn ngược sông Hồng / Trà Giàng – Yên Bái thỏa lòng“chè tươi”/ Trà ngậm sương gùi về xuôi / Gặp sen Hà Nội lên ngôi Nữ hoàng. Trà Tàu mà ta hay gọi cũng có nguồn gốc từ trà San - tuyết đất Việt.

Trường ca Lục bát trà có 5 chương là hương trà Việt tỏa lan trong lịch sử. Từ Huyền thoại Trà, từ nguồn gốc “chè trời”, nghĩa là trời cho qua “cô tiên nữ tên Trà” đến việc trồng chè, hái chè, chế biến chè thành trà đều có thơ đàm đạo: Vừa lú đầu ngắt tận tai (tức một tôm hai là- NM chú)/ Ngày phơi sương nắng, đêm sai lửa vờn.

Chén đĩa trà thời Minh Mạng.

Rồi: Sấy khô ủ ấp hương vào/ Còng queo thể tạng, gầy hao dáng hình/ Còn đâu những nét đẹp xinh/ Vàng son một thuở chỉ mình riêng hay...). Rồi cách pha, dụng cụ trà đạo, cách rót, bánh mứt nhấm với trà, cách thưởng trà... với Phạm Văn Sau đều thành thơ tâm đắc. Cho đến hương trà với những danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Khuyến, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Bính.v.v..đều được tác giả chiêm nghiệm. Mới hay danh nhân đất Việt đều quyến luyến hương trà. Ngô Thì Nhậm chén trà thời thế: Chén trà ngẫm nghĩ thế thời/ Biết dừng biết đủ cuộc đời bớt hoang... Vua Trần Nhân Tông anh minh thì: “Hồn trà mách bảo: dụng nhu địch cường”. Viết về Đại thi hào Nguyễn Du uống trà, Phạm Văn Sau thốt lên: “Chén thân phận ngấm nối đời huyền hư”. Cuộc tình Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương cũng thành thơ trà chát đượm:

Đồng tiền núng nính má đào

Lời thơ tình tứ, tay trao chén trà

Nhớ sao tuyệt kỹ công pha

Sen trà thơm ngát nếp nhà trâm anh

Tôi tìm kiếm khắp sách vở nước mình, chỉ có ở Huế mới có một cuốn thơ dày 4889 câu về trà. Cho nên tôi nghĩ không ngoa rắng, đến Phạm Văn Sau, Huế đã trở thành trung tâm thơ Trà Việt hiện đại.Thật đáng đồng tiền bát gạo!

 Hương trà đạo Huế bắt đầu từ  thời Nguyễn tức là đã hơn hai trăm năm rồi. Chè Shan-tuyết Hà Giang, trà Thái Nguyên móc câu tiến vua, về Huế hôn phối với sen Hồ Tịnh Tâm  và nước sông Hương thơm mùi hoa Thạch Xương Bồ thành trà Huế. Trong Lục Bát Trà, mục Trà vua Tự Đức viết: Sẵn trà shan-tuyết với sen/ Cung nữ trinh khiết ngón quen ngoan nghề//.../ Chọn sen kỹ, lựa từng bông/ Tay ngà từng đóa búp hồng nâng lên/.../ Bình minh thuyền nhỏ nhẹ êm/ Gom sương khuya rụng nơi thềm lá xanh/ Đất trời ngân giọt thủy tinh/ biết bao nhiêu lá đủ tình thăng hoa. Lấy sương đọng trên sen qua đêm để pha “trà ngậm sen” là một thú thưởng thức trà tuyệt đỉnh nhân gian. Một lần gom sương trên lá sen như thế chỉ pha được bốn năm ấm trà thôi, mỗi bạn trà nhấp chén mắt trâu, nhắm mắt lại  cho ngấm hương vào hồn, linh cảm sẽ bừng lên ngây ngất. Đó là trà của trời. 

 Trà đạo Huế không thua kém trà đạo Nhật Bản. Những quán trà bên hiên ngôi nhà rường cổ kín, ẩn mình sau những phố nhỏ yên tĩnh và thanh tao đúng với phong cách trà đạo. Những quán trà được thiết kế theo phong cách sơn thuỷ hữu tình, có núi non, cây, nước... rất gần với thiên nhiên, như  thiền trà Nhật Bản . Nếu như trà đạo Nhật Bản rất coi trọng không gian uống trà và khung cảnh uống trà thường mang đậm mùi Thiền thì trà đạo Việt phong cách cổ kính và đầy chất thơ . Các quán trà ở Huế thường được thiết kế đơn giản hơn nhưng vẫn đầy lặng đọng, cuốn hút.

  Trong  Lục bát trà của Phạm Văn Sau nói rất kỹ về  Dân Huế uống Trà. Cuộc trà được chuẩn bị thật công phu, tinh tế. Trước hết là Bánh , mứt cho cuộc trà. Bánh mứt, trà- khúc đạo dầu/ lòng san sẻ hát câu sinh tồn. Đến Trà cụ: Cũng Ấm, Tống, Quân và Chuyên/ Nhưng đà phân định rẽ riêng khi dùng. Rồi đến nước dùng pha trà phải chọn vô cùng khắt khe: Nước suối tốt nhất đầu nguồn/ Hứng mưa mái lá, ngói thường giữa cơn/ Giếng đá ong, chẳng giản đơn/ Đào sâu mạch tốt phải hơn cả sào/ Nước mưa lấy ở cây cau/ Bằng gân tàu lá cột vào gốc cây... Rồi đến cách pha, cách rót, cách mời... nhà thơ đều cảm nhận từ thực tế rất cụ thể bằng những câu lục bát nhuần nhị. Ngoài  việc ướp hương sen, hương sói vào trà, dân Huế còn có thú uống Trà hương sống. Tức là bỏ trực tiếp các loại hoa mới hái như sen, nhài, cú, ngâu, sói... Bỏ vào ấm, chế nước sôi/ cuộc trà chất ngất thú chơi nhà vườn. Dân Huế còn có thú uống trà pha bằng nước sương đọng trên lá sen như trên đã nói.

Phạm Văn Sau còn cảm nhận về cách nhận và thưởng thức trà, cách đàm đạo trong cuộc tra...

Xưa nay dân Huế uống trà

Cung cách diệu nghệ chỉ là phái sinh

Từ lối “nói kiểu” cung đình

Lễ nghĩa trang trọng- đậm tình nét riêng

 Còn nhiều cung bậc, nhiều ngõ ngách xúc cảm trong trường ca Lục bát Trà mà người viết không thể nói hết được trong bài viết ngắn này này. Chỉ mong mỏi một điều là nhà thơ đã dâng cho đời hương trà Việt, hương trà đạo Huế bằng tâm can của mình. Tiếp theo ngành Du lịch và các nganh chức năng phải tổ chức làm sao để Huế trở thành một xứ Trà Đạo danh truyền, thu hút khách du lịch thập phương. Đó là ước nguyện của thi sĩ dấn thân cả đời mình để viết nên trường ca Lục bát Trà thâm hậu.                                    

Huế,  Đông 2015  

NGÔ MINH/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh