Hướng nội là một món quà, không phải lời nguyền
- Bác sĩ
- 15:10 - 03/07/2020
Bản thân tôi là người hướng nội nhưng mỗi lần nói ra câu "Em là người hướng nội" thì ai cũng phì cười rồi hỏi lại "Em hướng nội???". Bởi những ai từng làm việc và tiếp xúc với tôi đều cho rằng tôi là một đứa hướng ngoại chính hiệu: Lúc nào cũng đầy năng lượng, cười nói không ngớt... Cũng có một thời gian tôi tự định hình bản thân là người hướng ngoại nhưng sau này nghĩ lại thì thật ra tôi chỉ thích và muốn được làm người hướng ngoại, do ghét cảm giác bị người khác cho là hướng nội, lúc nào cũng bị bảo là ít nói, ù lì chứ không giỏi giao tiếp hay năng nổ.
Và rồi tôi đã trở thành một đứa hướng ngoại như mong muốn: Giao lưu, kết nối, bắt chuyện với người khác bất chấp lạ quen là chuyện hết sức bình thường, trở thành nhân viên tư vấn là điều không hề nằm trong dự tính hay khả năng của mình. Nhưng không ngờ đó là công việc đầu tiên cho tôi thu nhập và cả sự công nhận khi mình đạt được doanh số cao nhất công ty ngay trong tháng làm việc đầu tiên. Những lần làm việc nhóm với vai trò leader, tôi cũng đã vận dụng rất nhiều kĩ năng và thể hiện sự tự tin, vững vàng trong việc dẫn dắt đội nhóm để đạt được những kết quả xuất sắc.
Việc thử sức mình trên sân khấu cũng là một trong những mục tiêu của tôi và tôi cũng đã chinh phục được điều đó khi từng đứng trước hàng trăm người, cháy hết mình để truyền cảm hứng cho họ và được bình chọn vào top 4 các bài nói truyền cảm hứng nhất… Trở thành một người hướng ngoại giúp tôi có được rất nhiều thứ và bản thân cũng rất tự hào vì điều này. Vấn đề là khi có được những thứ đó thì mình lại bị nghiện và cảm thấy chông chênh vô định khi có những ngày không được náo nhiệt, ồn ào như vậy hay mình sẽ rất stress nếu không được nói chuyện hoặc không có ai đó để chia sẻ hay tám chuyện.
Trở nên hướng ngoại cũng không ít lần khiến tôi khó chịu, thậm chí vô cùng áp lực vì lúc nào cũng đặt nặng vấn đề chứng tỏ bản thân để được người khác chú ý và trở nên nổi bật.
Tôi quyết định cho bản thân gap một thời gian, phần lớn thời gian tôi ở nhà, học online và làm online, bớt mua sắm, tự nấu ăn, ít đi chơi, chỉ nói chuyện với những người trong nhà và thỉnh thoảng café với vài người bạn. Khoảng thời gian đầu tôi bứt rứt lắm nhưng tôi dần phát hiện ở nhà cũng có vô số thứ để làm. Tôi tận hưởng từ việc ăn sáng tại nhà với những món đơn giản tự làm, cho tới giây phút mình đặt cái dĩa vào bồn rửa chén và mở vòi nước rửa chén.
Ở nhà cũng là lúc tôi cho ra đời những sản phẩm dành cho mình và về bản thân mình: Viết blog, làm youtube, cover các bài hát sang tiếng Trung, đàn nữa và tạo ra các group để chia sẻ, kết nối với nhiều người. Tôi làm mọi thứ một cách tâm huyết và chân thành. Bản thân cũng như được làm mới mỗi ngày và chính nhờ điều này đã mang lại cho mình nguồn năng lượng dồi dào hơn bất kì nguồn năng lượng nào mình từng có hay từng được tiếp trước đây. Ai nói ở nhà riết là cô đơn, là bị tự kỉ, là chịu không nổi cơ chứ.
Cách suy nghĩ này của tôi được cổ vũ rất nhiều khi xem được video của anh Huỳnh Duy Khương. Tôi bắt đầu hiểu rõ hơn về hướng nội (introvert), hướng ngoại (extrovert) và hướng trung (ambivert), từ đó xác định lại bản thân mình chính xác là hướng gì. Điều hay ho chính là tôi biết được hướng nội cũng có hướng nội TỰ TIN (như Bill Gates) và hướng ngoại cũng có hướng ngoại TỰ TI.
Và nếu bạn vốn là người hướng nội tự ti thì sẽ có hai hướng để trở thành hướng nội tự tin (vừa đạt được những điều bạn muốn vừa có thể sống thật với bản thân): Bắc cầu qua hướng ngoại tự tin (như tôi) sau đó trở về hướng nội tự tin hoặc đi thẳng lên hướng nội tự tin (nhưng điều này sẽ là rất khó).
Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn cách để người hướng nội trở nên tự tin thông qua phương pháp 4P mà mình đọc được trong cuốn The Introverted Leader của tác giả Jenifer B. Kahnweiler. Tôi muốn chia sẻ phương pháp này là vì nó quá cô đọng và chuẩn xác theo đúng định hướng và trải nghiệm mà mình đã trải qua để có thể trở thành một người hướng nội tự tin như hôm nay:
Prepare (Chuẩn bị): Ứng phó với khó khăn bằng kế hoạch chuẩn bị trước
Đại đa số người hướng nội ngưỡng mộ người hướng ngoại vì họ có phản ứng nhanh nhẹn. Trên thực tế, nếu người hướng nội chuẩn bị đầy đủ, có kế hoạch trước thì cũng có thể làm tốt như vậy. Tôi rất ủng hộ cách này, đặc biệt là trong những cuộc đối chất và nói chuyện công việc. Mỗi lần đi trình bày với sếp về vấn đề nào đó, tôi đều liệt kê ra những ý chính cần phải nói để thứ nhất nói không bị sót rồi hỏi đi hỏi lại nhiều lần, thứ hai để kiểm soát được những gì mình sẽ nói chứ không để mọi thứ loạn cào cào lên. Cũng có nhiều người nói tôi là "Ui làm vậy luôn á hả", tôi cũng chỉ đáp lại "Ừm". Miễn mình cảm thấy thoải mái và tự tin hơn thì người khác nói gì cũng đâu quan trọng.
Presence (Hiện diện): Cho người khác biết đến sự tồn tại của bạn
Người hướng nội thường cho rằng, nếu họ làm tốt, người khác nhất định sẽ biết đến họ. Ngược lại, nếu người khác không biết đến hoặc không thực sự công nhận thì đó là vì họ làm chưa đủ tốt. Trên thực tế, kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu bạn không nói đến những thành tựu của bản thân, người khác sẽ không biết được năng lực hoặc tiềm năng của bạn. Đây chính là khâu người hướng nội dễ xem nhẹ nhất. Người hướng nội thường mắc bệnh "ngại", sợ người khác nghĩ là khoe. Thật ra thì cái chuyện "tự hiểu" khó nói lắm nên đừng trông mong vào nó quá nhiều. Thay vào đó, nếu bạn có cái gì tốt đẹp thì cứ nói ra để người khác biết, miễn bạn nói thật và sống thật thì ngại cái gì.
Push (Thúc đẩy): Cổ vũ bản thân bước ra khỏi vòng an toàn
An toàn không phải mãi mãi, không an toàn cũng không trường tồn. Trên đời không có gì là mãi mãi. Mỗi ngày chúng mình đều đối mặt với sự thay đổi. Bạn làm hay không làm thì thời gian cũng đều trôi đi, có những chuyện sớm hay muộn bạn cũng phải thực hiện. Hôm nay hãy bước chân ra khỏi vùng an toàn để ngày mai có thể tự do ở một vùng an toàn rộng lớn hơn.
Practice (Thực hành): Không ngừng thực hành để trở nên hoàn hảo hơn
Việc mà những nhà vô địch vẫn làm hàng ngày chính là luyện tập. Dù bạn là hướng nội hay hướng ngoại thì đều phải thực hiện bước này nếu bạn vẫn muốn duy trì và nâng cao sự tự tin của bản thân. Bạn muốn tự tin trong giao tiếp, biện pháp tốt nhất chính là chăm chỉ luyện tập. Luyện tập có thể giúp bạn dễ dàng thích nghi với thử thách, cũng có thể giúp bạn tự tin, tích cực dấn thân hơn.
Hi vọng phương pháp 4P này có thể mang lại những hiệu quả to lớn cho bản thân bạn và hỗ trợ bạn dần hướng tới con người bạn muốn trở thành. Thay đổi bản thân không hề khó, chỉ cần bạn muốn và thực sự nghiêm túc thay đổi. Còn nếu bạn hời hợt, không muốn cố gắng nhưng vẫn mong có được tính cách có lợi cho mình thì vấn đề không còn nằm ở tính cách nữa mà là sự vô trách nhiệm của bạn với chính cuộc đời mình, chỉ muốn "há miệng chờ sung".
Cuối cùng, khi bạn đã trải qua những thay đổi để dần hiểu bản thân mình, bạn sẽ nhận ra thực sự hướng nào cũng không quan trọng lắm đâu, miễn đừng hướng theo chiều gió là được...