CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:29

Hướng đến 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: Hàm Hạ - Chi bộ Đảng đầu tiên

Thành lập tổ chức Đảng tại Thanh Hoá

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước, mở đầu thời đại mới trong lịch sử dân tộc - thời đại giai cấp công nhân và Đảng tiên phong đứng ở vị trí trung tâm, tập hợp lực lượng, đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh chiến thắng các đế quốc xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Hướng đến 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: Hàm Hạ - Chi bộ Đảng đầu tiên - Ảnh 1.

Cơ sở Chị bộ Hàm Hạ trước đây

Sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tác động trực tiếp, toàn diện đến phong trào yêu nước và phong trào Cộng sản ở Thanh Hóa. Xứ ủy Bắc Kỳ đặc biệt quan tâm tới việc thành lập tổ chức Đảng Cộng sản ở Thanh Hóa, chính vì vậy, được sự phân công của Xứ ủy, đồng chí Lê Công Thanh đã liên lạc với các hội viên "Hội Việt Nam cách mạng thanh niên", truyền đạt chủ trương thành lập tổ chức Đảng tại Thanh Hóa.

Tháng 4/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về Thanh Hóa chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức Đảng. Đồng chí đã bắt liên lạc với đồng chí Lê Bá Tùng, một hội viên của "Hội Việt Nam cách mạng thanh niên" ở làng Hàm Hạ. Trong thời gian ở đây, đồng chí đã tuyên truyền giác ngộ và kết nạp đảng cho 3 đồng chí: Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều và Lê Thế Long. Tiếp đó công tác tuyên truyền kết nạp đảng viên tiếp tục được đẩy mạnh.

Ngày 25/6/1930 tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều làng Hàm Hạ, Tổng Kim Khê, nay là khu phố Hàm Hạ, Thị trấn Rừng Thông, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, đại diện của xứ uỷ Bắc Kỳ đã chủ trì Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Hàm Hạ, chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Đông Sơn, đồng thời cũng là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư chi bộ.

Hướng đến 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: Hàm Hạ - Chi bộ Đảng đầu tiên - Ảnh 2.

Những tư liệu được trưng bày tại Cụm di tích cách mạng Hàm Hạ

Chi bộ Hàm Hạ được thành lập có ý nghĩa hết sức to lớn, là tiền đề quan trọng để tiếp đó, ngày 10/7/1930 thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa, ngày 22/7/1930 thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân, tạo điều kiện về tổ chức và tư tưởng cho việc thành lập Đảng bộ Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa vào ngày 29/7/1930 tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân. Đồng chí Lê Thế Long được bầu làm Bí thư.

Sự ra đời của chi bộ Hàm Hạ là đỉnh cao của phong trào yêu nước, cách mạng của Nhân dân Đông Sơn là một tất yếu lịch sử, đáp ứng được yêu cầu của phong trào cách mạng trong tỉnh, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo cách mạng lúc bấy giờ. Từ đây giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp Nhân dân lao động của huyện Đông Sơn nói riêng và tỉnh Thanh Hoá nói chung đã có một chính đảng Mac xít của giai cấp vô sản lãnh đạo, vững bước tiến lên trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và quyền dân sinh, dân chủ của mình.

Hàm Hạ - Chi bộ Đảng đầu tiên

Những ngày đầu mới thành lập, giữa lúc các tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng và phong trào đấu tranh đang trên đà phát triển và từng bước được củng cố thì Xứ uỷ Bắc Kỳ bị địch khủng bố, hoạt động của Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá bị phát hiện. Ngày 21 và 22/12/1930 Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh và đồng chí Lê Thế Long bị địch. Bắt đầu năm 1931, hầu hết các đảng viên trong huyện Đông Sơn đều bị bắt. Chi bộ Hàm Hạ bị khủng bố và tan rã. Đây là tổn thất lớn cho Đảng bộ và phong trào cách mạng của Tỉnh nói chung và của huyện Đông Sơn nói riêng.

Hướng đến 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: Hàm Hạ - Chi bộ Đảng đầu tiên - Ảnh 3.

Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hoá

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hoà chung với phong trào cách mạng của tỉnh và cả nước, phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột, rải truyền đơn, treo cờ búa liềm...trong huyện vẫn tiếp tục diễn ra. Về mặt tổ chức, tuy chi bộ Hàm Hạ bị tan rã, nhưng mục đích, lý tưởng của Đảng đã thấm sâu vào trái tim, khối óc của quần chúng cách mạng, duy trì và hoạt động một cách bí mật, linh hoạt.

Năm 1936, đồng chí Lê Thế Long được trả tự do, trở về tiếp tục hoạt động. Cùng với sự ra đời và hoạt động của Hội truyền bá chữ Quốc ngữ, phong trào thành lập Hội tương tế ái hữu phát triển đáng kể, nhiều Hội tương tế ái hữu lần lượt được thành lập trên cơ sở các Hội bạn điền, Hội hiếu hỷ, Hội hộ sản... Đến đầu năm 1937, Ban Trị sự tương tế ái hữu của huyện Đông Sơn được thành lập, góp phần vào cao trào vận động đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp trong thời kỳ đòi dân sinh, dân chủ ở Đông Sơn.

Đến giữa năm 1938, phong trào cách mạng trong huyện Đông Sơn đã có những bước tiến quan trọng. Các tổ chức cách mạng ở Đông Sơn lần lượt ra đời. Tháng 6/1938, Đoàn thanh niên dân chủ Mao Xá và Hội phụ nữ Dân chủ Mao Xá được thành lập. Đây là các tổ chức cách mạng có vai trò xung kích trong việc tuyên truyền, đấu tranh, vận động cách mạng, mở rộng ảnh hưởng của Đảng, của Mặt trận dân chủ trong đông đảo quần chúng Nhân dân.

Hướng đến 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: Hàm Hạ - Chi bộ Đảng đầu tiên - Ảnh 4.

Toàn cảnh Cụm di tích cách mạng Hàm Hạ

Mặc dù thực dân Pháp tăng cường trấn áp, khủng bố, lùng sục, truy quét, bao vây các cơ sở cách mạng; nhiều đồng chí cán bộ đảng viên bị bắt và tù đày. Nhưng dưới ánh sáng chân lý của Đảng, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của Nhân dân Thanh Hoá nói chung, của Đông Sơn nói riêng đã phát huy được truyền thống cách mạng; triệt để lợi dụng khả năng đấu tranh trong Mặt trận dân chủ rộng rãi để giáo dục tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp quần chúng Nhân dân.

Chính các phong trào đấu tranh cách mạng này là sự chuẩn bị điều kiện, lực lượng để Nhân dân Đông Sơn cùng cả nước dành được nhiều thắng lợi có ý nghĩa quyết định, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng mà đỉnh cao là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công - nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.

Sau khi đất nước được độc lập, tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Ngay sau khi ra lời kêu gọi, giữa lúc bận trăn ngàn công việc, Bác đã về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên vào ngày 20/02/1947, và Rừng Thông Đông Sơn vinh dự được chọn là nơi Bác nói chuyện với cán bộ, nhân sỹ, trí thức trong tỉnh, trong huyện, tại đây Bác dạy đồng bào đánh giặc Tây và căn dặn: 'Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu".

Hướng đến 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá: Hàm Hạ - Chi bộ Đảng đầu tiên - Ảnh 5.

Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Cụm di tích cách mạng Hàm Hạ

Thực dân Pháp thất bại, đế quốc Mỹ lại xâm lược nước ta, cùng cả nước, Đảng bộ, quân và dân Đông Sơn lại bước vào cuộc chiến đấu mới chống đế quốc Mỹ xâm lược, đầy cam go, thử thách. Bám sát chủ trương của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo cán bộ đảng viên và quần chúng Nhân dân vừa chiến đấu vừa tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Đảng hàng loạt các phong trào được phát động sôi nổi, hiệu quả, góp phần xây dựng quê hương, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phát huy truyền thống cách mạng

Bí thư huyện uỷ huyện Đông Sơn Nguyễn Quang Hải cho biết: "Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời kỳ xây dựng bảo vệ Tổ quốc, huyện Đông Sơn được Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 01 Huân chương quân công hạng Nhì; 03 Huân chương chiến công (Hạng Nhất, Nhì, Ba); 06 Huân chương kháng chiến hạng Nhất; 09 Huân chương Lao động; Nhiều đơn vị cơ sở được tặng thưởng huân chương các loại và hàng vạn huân, huy chương, bằng khen khác cho các tập thể và cá nhân".

"Đặc biệt, ngày 30/8/1995 Nhân dân và LLVT Nhân dân Huyện Đông Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; có 02 đơn vị và 04 cá nhân được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân, anh hùng lao động; có 114 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 6.636 liệt sĩ đã hy sinh tuổi xuân, 1.725 thương binh đã hy sinh một phần xương máu cho độc lập tự do của tổ quốc" – Bí thư Nguyễn Quang Hải cho biết thêm.

Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đảng bộ và Nhân dân Đông Sơn tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên trì phấn đấu, giành được nhiều thành quả quan trọng. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy không ngừng được đổi mới. Cấp ủy, chính quyền đã thực hiện tốt phương châm "Đột phá - Sáng tạo, Trọng tâm - Toàn diện, quyết liệt và hiệu quả" trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Đến nay, Đông Sơn có bước phát triển khá toàn diện. Đặc biệt, một số lĩnh vực đã vươn lên top đầu của tỉnh:  100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020, có 37/38 trường đạt chuẩn quốc gia, thu nhập bình quân đầu người đạt 49 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,64%; là huyện đi đầu, quyết liệt trong công tác tổ chức, điều động, luân chuyển cán bộ…

Nhiều năm liền Đảng bộ huyện được BTV Tỉnh ủy Thanh Hoá công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt năm 2019 là huyện thứ ba trong tỉnh được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2019;

Được biết, Đông Sơn là huyện duy nhất trong tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong 03 năm (2016 - 2018) về thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được TW biểu dương nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Trong những năm tới, Đông Sơn tiếp tục xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, để dân tin Đảng và đảng bộ thực sự là đội tiên phong lãnh đạo thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội, đưa quê hương Đông sơn ngày càng phát triển" – Bí thư Nguyễn Quang Hải nhấn mạnh.

Thu Hương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh