THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:44

Hướng dẫn trẻ chọn chỗ chơi an toàn

Nên dạy trẻ biết chơi ở không gian có nhiều người thay vì một mình ở không gian vắng vẻ.

Nên dạy trẻ biết chơi ở không gian có nhiều người thay vì một mình ở không gian vắng vẻ.

Trẻ nhỏ phải có không gian an toàn để vui chơi

PGS, TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: Chúng ta nên dạy trẻ biết chơi ở không gian có nhiều người thay vì một mình ở không gian vắng vẻ. Các khu phố cần có những khu vực cho trẻ nhỏ vui chơi, là nơi có người lớn để mắt đến.

Để phòng chống, bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy, theo PGS, TS Trần Thành Nam, người lớn cần tạo ra cho đứa trẻ những không gian vui chơi, thực hành với bạn bè an toàn ngoài giờ học, từ đó giúp con thực hiện, thực hành kỹ năng đã được học tập ở trường. “Trẻ nhỏ phải có không gian để vui chơi. Bố mẹ không thể vì lo lắng mà lại nhốt con ở trong nhà, như vậy càng khiến con đuối về kỹ năng", ông Nam lưu ý.

 

PGS, TS Trần Thành Nam cho rằng, mỗi khu dân cư cần tạo ra một không gian an toàn, có sự giám sát của các thành viên ở cộng đồng. Trong không gian này, trẻ nhỏ được chơi đùa với nhau để qua đó cũng thực hành các kỹ năng xã hội, như: Nhận diện tình huống nguy hiểm, cách thức để tìm kiếm sự giúp đỡ…

Nhà trường cần có thêm những chương trình giáo dục ngoài giờ ngoài chương trình bắt buộc chính khóa. Tùy vào mỗi cấp, chúng ta sẽ hướng dẫn trẻ những vấn đề liên quan đến sự an toàn đặc trưng cho từng lứa tuổi.

Lứa tuổi mầm non và tiểu học có thể hướng dẫn cách tự bảo vệ khỏi xâm hại tình dục và bắt cóc; cấp THCS là các vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu, tình dục rồi bạo lực học đường; hay cấp THPT lại có những vấn đề về các mối nguy khác. Tùy mỗi cấp, các con cần có nhiều hoạt động giúp rèn kỹ năng an toàn theo sự phát triển của lứa tuổi.

Bên cạnh đó, về phía gia đình, các bậc phụ huynh phải xác định có trách nhiệm đối với sự an toàn của con. "Chúng ta không chỉ cung cấp cho trẻ kiến thức về kỹ năng ứng phó mà còn phải cung cấp được cả môi trường an toàn và sự giám sát phù hợp với các con", PGS, TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Chú trọng dạy kỹ năng từ nhỏ

Chuyên gia tâm lý, TS Vũ Thu Hương cho rằng: “Giáo dục trẻ kỹ năng phòng, tránh và ứng phó khi bị bắt cóc, xâm hại vô cùng quan trọng. Cha, mẹ nên chú trọng dạy trẻ từ nhỏ và ôn luyện liên tục để con tự hình thành ý thức bảo vệ bản thân. Cha mẹ nên quan tâm dạy con nội dung này trước khi dạy chữ hoặc các kiến thức khác".

Cũng theo TS Vũ Thu Hương, phụ huynh nhất thiết dạy trẻ về các cách phòng, tránh bắt cóc. Trước tiên, cha mẹ cung cấp cho trẻ một số thông tin về các vụ bắt cóc xảy ra gần đây. Việc này là cần thiết nhưng chúng ta nên nói giảm, nói tránh để làm giảm bớt sự lo ngại của trẻ mà vẫn có thể cung cấp thông tin tình hình an ninh xã hội nhằm giúp trẻ hình thành thói quen tự bảo vệ.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà cáp của người lạ.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh nên dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà cáp của người lạ.

Cha mẹ cũng nên dạy con về tình huống bị người lạ ép lên xe, trẻ nên bĩnh tĩnh và hét lên nhưng câu như: Cháy xe rồi, khói kìa... bọn bắt cóc sẽ giật mình buông tay. Lợi dụng lúc đó, trẻ vừa chạy thoát thân, vừa kêu to để mọi người chú ý.

TS Vũ Thu Hương cũng đưa ra một số nguyên tắc trong gia đình như: Khi muốn ra khỏi nhà, con trẻ phải báo hoặc xin phép cha mẹ. Trẻ muốn đi chơi xa phải xin phép cha mẹ từ trước và có kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi.

Khi trẻ chờ cha mẹ đến đón ở trường thì cần có một số quy ước, ví dụ: Nếu cha mẹ nhờ ai đó đón hộ thì có một mật mã để trẻ có thể trao đổi với người đón hộ. Điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng có kẻ giả danh người đón hộ mà bắt cóc.

Dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà cáp của người lạ. Nếu ai đó cần giúp đỡ, yêu cầu trẻ báo cho công an, cảnh sát hoặc người lớn đến giúp chứ trẻ không trực tiếp tham gia giúp đỡ vì trẻ chưa đủ khả năng. Đặc biệt, trẻ cần thuộc các số điện thoại của những người gần gũi nhất như: Mẹ, bố, ông, bà, anh, chị, em…

Các chuyên gia khuyến cáo, khi kẻ bắt cóc trẻ báo về đòi tiền chuộc, gia đình phải trình báo ngay lập tức với cơ quan gần nhất và việc trình báo nên tiến hành bí mật. Cha mẹ trẻ cần hợp tác chặt chẽ với công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án.

Thanh Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh