THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:37

Hùng khí Vị Xuyên

 

Đó là những địa danh diễn ra hàng ngàn trận đánh, những địa danh từng được ví với những cái tên mà mới chỉ nghe thôi đã thấy độ khốc liệt của một thời đạn lửa. Nào “lò vôi thế kỷ”, nào “Cối xay thịt”, nào “đồi thịt bằm”... những cái tên cho đến giờ mỗi khi nhắc lên lại đau đáu nỗi niềm nhớ thương những người đồng đội đã ngã xuống.

Mặt trận Vị Xuyên những năm 1979 – 1989 mà đỉnh cao là thời kỳ 1984 – 1989 dường như gắn liền với triệu triệu con tim của những người dân nước Việt. Đó là một thời kỳ khó khăn nhất về mọi mặt. Kinh tế trong nước thì suy thoái trầm trọng. Kinh tế đối ngoại thì sa sút và lệnh cấm vận càng làm tăng thêm sự điêu đứng. Trên toàn tuyến biên giới phía bắc các đơn vị chủ lực căng mình ra để sẵn sáng đánh trả mọi hành động xâm lược. Tiếng súng đêm đêm dội về từ phía Vị Xuyên càng làm bầu không khí thêm sôi sục và căng thẳng.

Và những người lính còn rất trẻ từ khắp mọi miền đất nước đã lấy Vị Xuyên làm mục tiêu cho hành động và suy nghĩ của mình. Dạo đó tôi đang cùng đơn vị chốt giữ ở biên giới huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Những tin tức nóng bỏng từ Vị Xuyên đưa về cứ dầy lên theo ngày theo tháng. Một vùng đất xa xôi nới địa đầu cực bắc của Tổ quốc vụt chói lên rực sáng, vụt bay lên thánh bài ca giữ nước.

Mười sáu lượt đơn vị cấp sư đoàn thay nhau lên Vị Xuyên tham chiến. Cả chục vạn lượt chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thay nhau hành quân lên Vị Xuyên chiến đấu. Trong lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chưa có khi nào mà trên một địa bàn cấp huyện và trong một thời gian lại có nhiều lượt đơn vị và lượt chiến sĩ đông đến như vậy. Cả nước cùng Vị Xuyên chặn giặc. Cả nước cùng Vị Xuyên giữ đất. Cả nước cùng Vị Xuyên bảo vệ từng lá cây, từng ngọn cỏ, từng khe suối, từng mỏm đá thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Trong cuộc chiến đấu gian truân và khốc liệt ấy đã có hàng ngàn chiến sĩ anh dũng hy sinh, cũng tức là có hàng ngàn những người con của mọi miền quê vĩnh viễn nguyện thân vào mảnh đất Vị Xuyên. Thân thể của họ, máu xương của họ giờ hóa thành đá núi, thành màu xanh cây lá. Đã có người đồng đội, người thân tìm được hài cốt. Có nhiều người cho đến giờ vẫn còn lẩn khuất đâu đó. Thời gian có thể xóa mờ ký ức đau buồn nhưng thời gian không thể ngăn được niềm nhớ thương đồng đội và ước vọng có được một nơi cho mọi người tới đây tri ân. Cho Tổ quốc mãi ghi ơn.

Việc lựa chọn bình độ 600 để xây dựng “Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên thời kỳ 1979 – 1989” đã được Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, được đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang tính toán thấu đáo. Chính tại bình độ này những năm 1984 -1989 đã diễn ra những chiến công và sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ ta. Nơi đặt am thờ nhỏ phía trước nhà tưởng niệm hồi đó là một căn hầm chiến đấu. Chín chiến sĩ ta đã nằm lại sau làn pháo địch. Chín chàng trai trẻ vĩnh viễn để lại tuổi của mình ở nơi đây.

Thuộc địa bàn thôn Nặm Ngặt xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên trên bình độ 600 giờ đây thực sự là một điểm nhấn về “văn hóa người Việt” giữa vùng núi non biên ải. Thực sự là một “cột mốc tâm linh” sừng sững nơi địa đầu Tổ quốc. Việc xây dựng một nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngay nơi biên giới cũng là một nét độc đáo, tiêu biểu và là sự thể hiện chủ quyền biên giới của không chỉ nhân dân các dân tộc huyện Vị Xuyên mà còn là của toàn dân Việt Nam. Mô hình này rất cần được nhân rộng ra với những địa phương có nét tương tự trong công cuộc bảo về từng tấc đất của cha ông để lại. Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên thêm một lần khẳng định “hùng khí non sông” của nhân dân ta.

Được tiến hành xây dựng từ tháng 3/2016, với phương châm vừa thiết kế vừa xây dựng, vừa sử dụng vốn hiện có vừa tổ chức quyên góp. Đơn vi thi công là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Giang Phú, một doanh nghiệp tư nhân thuộc tỉnh Hà Giang nhưng lại là một doanh nghiệp có tình cảm đặc biệt với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Chưa đầy 3 tháng một công trình hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc đình chùa truyền thống Việt Nam được hình thành. Công trình Nhà tưởng niệm sừng sững và oai nghiêm ngày ngày hướng mặt về biên cương hùng vĩ. Một công trình có thể ví như “người gác cửa nhà Tổ quốc”. Một công trình nói lên những chiến sĩ ta cho dù đã nằm xuống nhưng tâm hồn của họ, tấm lòng của họ còn đau đáu nỗi niềm canh giữ trọn vẹn biên cương, các anh vẫn ngày đêm “đứng gác” canh chừng con mắt kẻ thù nơi biên ải. Một công trình xã hội hóa với có tổng kinh phí trên 6 tỷ. Một công trình dựng lên được xuất phát từ chính ý nguyện của những người đã từng chiến đấu trên mảnh đất Vị Xuyện đã chính thức cắt băng khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 32 năm ngày quân Trung Quốc đồng loạt tiến hành cuộc chiến tranh trên hướng Vị Xuyên – Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Ngày 12/7/1984 mở ra những năm khốc liệt và hào hùng nhất trên mảnh đất Hà Giang địa đầu Tổ quốc.

Cũng với Cột cờ Lũng Cú ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang nơi cực bắc của Tổ quốc. Cùng với đình làng Trà Cổ ở thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh nơi điểm đầu tiên của chữ S Việt Nam. Đó là những “cột mốc chủ quyền” những “hùng khí non sông” được dựng nên trên nền văn hóa Việt Nam, được dựng nên trên nền ý thức toàn vẹn lãnh thổ của cha ông. Và cùng với hàng trăm hàng ngàn các cột mốc đã được triển khai cắm trên toàn tuyến biên giới. Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên trong tương lai gần sẽ là một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh. Một địa điểm tri ân thiết thực và vô cùng có ý nghĩa, đặc biệt là với hàng ngàn liệt sĩ đang nằm rải rác trong những khe suối, hốc núi, bờ cây của mảnh đất Vị Xuyên anh dũng và đau thương.

Tới đây mỗi khi nhắc tới nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên chúng ta lại biết đến một địa chỉ văn hóa – lịch sử. Thêm hiểu biết và tin yêu về lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Một địa chỉ đỏ cho các thế hệ mai sau.

Ghi chép của Nguyễn Trọng Văn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh