Huế tiếp nhận xe điện 4 bánh thu gom rác thải, giúp bảo vệ sức khoẻ người lao động
- Y học 360
- 14:54 - 17/05/2023
Dự án xe điện 4 bánh chuyên dùng thu gom rác trên địa bàn TP Huế do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) viện trợ, với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản. Đây là một phần trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UNDP thông qua việc triển khai sáng kiến giao thông xanh bằng các hoạt động thúc đẩy giao thông điện tại TP Huế.
Dịp này, UNDP đã cung cấp 6 xe tải điện 4 bánh chuyên dùng cho HEPCO để vận hành, thu gom rác thải trong TP Huế.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Lê Nhật - Chủ tịch UBND TP Huế khẳng định, việc thí điểm thay một số phương tiện thu gom thủ công, xe tải động cơ đốt trong bằng xe điện 4 bánh chuyên dùng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, định hướng và mong muốn của TP Huế nói riêng cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng theo hướng giao thông xanh.
Dự án sẽ góp phần triển khai thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP Huế. Qua đó, hình ảnh của thành phố Huế với các danh hiệu: “Thành phố bền vững môi trường Asean”; “Thành phố Xanh quốc gia” và đô thị Huế “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” sẽ tiếp tục được phát huy trong mắt du khách và bạn bè quốc tế, cải thiện điều kiện sống và làm việc của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Theo ông Nhật, hiện nay, việc sử dụng xe điện phục vụ thu gom rác ở một số địa phương tại Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực cả về mặt môi trường và kinh tế, giảm gánh nặng, độc hại cho người lao động, mang đến hình ảnh thân thiện, hiện đại trong công tác vệ sinh môi trường.
Ông Shimonishi Kiyoshi - Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng cho biết, biến đổi khí hậu đang là một trong các vấn đề quan trọng của thế giới hiện nay. Chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi năng lượng, như điện sinh khối, hydro, amoniac,…thông qua khuôn khổ hợp tác “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 Châu Á" (AZEC), và sẽ hợp tác với các nước đối tác để hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cắt giảm phát thải các bon thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, thông qua việc nghiên cứu các kịch bản giảm phát thải vận dụng mô hình AIM – là mô hình mô phỏng do Nhật Bản phát triển, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam trong việc lập Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (NCCS).
Dự án e-Mobility lần này là dự án góp phần trong việc xây dựng các chính sách cũng như các khung hỗ trợ nhằm thúc đẩy việc phổ cập giảm phát thải các bon trong lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu của NCCS và Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Theo ông Patrick Haverman - Phó Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, thúc đẩy các phương tiện vận tải mới và sạch hơn có thể đem lại các lợi ích bền vững theo nhiều cách. Sáng kiến thí điểm về các giải pháp giao thông điện sẽ vẽ lên một bức tranh rõ ràng về những lợi ích nói trên, đồng thời tăng cường sự chấp thuận của xã hội, xác định các rào cản hiện có, thu thập các bài học kinh nghiệm, chứng cứ cho việc xây dựng chính sách cũng như nhận rộng trong tương lai.
Trong tương lai, với nguồn hỗ trợ tài chính thêm của chính phủ Nhật Bản cho giai đoạn 2023-2024, UNDP sẽ tiếp tục nhân rộng các hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển giao thông xanh và năng lượng tái tạo tại TP Huế.
Một số hình ảnh tại buổi lễ: